Kể từ khi triển khai chiến dịch quân sự vào đầu tháng 5-2021, các tay súng Taliban đến giờ đã kiểm soát gần như toàn bộ Afghanistan, với thủ đô Kabul hiện là thành phố lớn duy nhất còn nằm trong tay chính phủ nhưng cũng đang bị bao vây.
Trong một tuyên bố sau khi tiến vào ngoại ô Kabul "từ mọi hướng", Taliban ngày 15-8 cam kết "không dùng vũ lực" để chiếm thành phố này hay đe dọa tính mạng, tài sản của người dân thủ đô. Người phát ngôn Taliban Suhail Shaheen sau đó tuyên bố với đài Al-Jazeera rằng các tay súng của họ đang chờ đợi "một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình... vô điều kiện".
Tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Jalalabad, một thành phố quan trọng ở phía Tây của Afghanistan, mà không cần nổ súng. Theo đài BBC, kiểm soát Jalalabad đồng nghĩa mọi tuyến đường kết nối Afghanistan với Pakistan hiện đã nằm trong tay Taliban.
Binh sĩ Afghanistan trên một chiếc xe quân sự ở thủ đô Kabul - Afghanistan ngày 15-8. Ảnh: REUTERS
Với Jalalabad, Taliban đã chiếm được 23 trên tổng số 34 thủ phủ của các tỉnh trên khắp Afghanistan. Vài giờ trước đó, phong trào này cũng đã chiếm được Mazar-i-Sharif (thành phố lớn thứ 4 của Afghanistan) mà không gặp bất cứ phản kháng nào.
Ông Abas Ebrahimzada, một nhà lập pháp đến từ tỉnh Balkh, khẳng định binh lính quốc gia là những người đầu tiên buông súng, dẫn đến các lực lượng ủng hộ chính phủ và dân quân từ bỏ theo.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã bắt đầu quá trình sơ tán nhân viên ra khỏi Đại sự quán Mỹ ở Kabul, với sự hỗ trợ của hàng ngàn binh sĩ cùng nhiều máy bay vận tải quân sự Mỹ. Sau khi triển khai 5.000 binh sĩ, Tổng thống Biden ngày 14-8 điều thêm 1.000 binh lính đến Afghanistan để bảo đảm quá trình sơ tán diễn ra một cách "an toàn và trật tự".
Tổng thống Biden, người tuyên bố rút toàn bộ binh sĩ Mỹ ra khỏi Aghanistan trước ngày 31-8, nói rằng ông sẽ không chuyền cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan sang đời tổng thống thứ năm. Theo giới quan sát, khủng hoảng Afghanistan có thể định hình di sản chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden, đặc biệt là ở khía cạnh nhân quyền dành cho phụ nữ và trẻ em Afghanistan nếu Taliban một lần nữa nắm quyền kiểm soát đất nước.
Khẳng định dân thường Afghanistan đang hứng chịu hậu quả xung đột, người phát ngôn Liên Hiệp Quốc Stéphane Dujarric nhấn mạnh lịch sử của quốc gia này rõ ràng cho thấy "không thể đạt được hòa bình bền vững bằng giải pháp quân sự". Theo ông Dujarric, phụ nữ và trẻ em chiếm khoảng 80% trong tổng số gần 250.000 người Afghanistan bị buộc phải trốn chạy khỏi bạo lực kể từ cuối tháng 5.
Trong một tuyên bố chiều tối 15-8, Lãnh đạo Hội đồng Hòa giải Dân tộc Tối cao Afghanistan Abdullah Abdullah cho biết Tổng thống Ashraf Ghani, 72 tuổi, đã rời quốc gia này. Hiện chưa có thông tin về điểm đến của Tổng thống Ghani. Các hãng truyền thông lớn của thế giới như AP, BBC xác nhận thông tin trên và cũng cho biết Phó Tổng thống Amrullah Saleh cũng rời Afghanistan khi quân Taliban kéo vào ngoại ô Kabul. Động thái này khép lại cuộc thử nghiệm 20 năm của các nước phương Tây trong nỗ lực tái thiết Afghanistan.
Theo thông tin cập nhật từ kênh tin tức Tolo News của Afghanistan, quyền Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan Abdul Sattar Mirzakwal khẳng định Kabul sẽ không bị tấn công và việc chuyển giao sẽ diễn ra sớm trong hòa bình.
Tốc độ mở rộng lãnh thổ của Taliban khiến nhiều chuyên gia bị sốc, đồng thời làm dấy lên câu hỏi vì sao các lực lượng Afghanistan lại sụp đổ nhanh đến vậy dù đã được đầu tư hàng tỉ USD và được Mỹ huấn luyện trong nhiều năm.
Chỉ vài ngày trước đó, một đánh giá quân sự của Washington còn ước tính phải mất thêm một tháng nữa, thủ đô Kabul mới chịu sức ép từ quân nổi dậy.
Bình luận (0)