Ông Jang Song-thaek sinh năm 1946. Ngày và nơi sinh của ông không được rõ ràng. Có tài liệu nói Jang Song-thaek sinh tháng 1 tại tỉnh Kangwon nhưng cũng có nguồn tin cho biết ông sinh tháng 2 ở tỉnh Hangyong.
Gian nan chuyện tình cảm
Ông Jang Song-thaek là con út trong một gia đình danh giá có 5 anh em. Ông anh cả Jang Song-u (1935-2009) là trợ lý an ninh của cố Chủ tịch Kim Jong-il (Kim Chính Nhật). Ông anh thứ hai Jang Song-gil (1939-2006) là thiếu tướng chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Phòng vệ thủ đô Bình Nhưỡng và là nguyên giám đốc Bảo tàng Quân đội Cách mạng Triều Tiên. Các chị của ông Jang đều lấy chồng có địa vị cao trong bộ máy nhà nước.
Thời còn học ở Trường Đại học Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), ông Jang đã chứng tỏ năng lực chính trị khi đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đội tuyên truyền sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục học trường đảng cao cấp trước khi sang Liên Xô học Trường Đại học Moscow từ năm 1968 đến 1972.
Ông bà Jang Song-thaek Ảnh: REUTERS
Ông Jang gặp “một nửa” của mình là bà Kim Kyong-hui, em gái ông Kim Jong-il, ở Trường Đại học Kim Il-sung. Mối tình này suýt tan vỡ vì gặp phải sự chống đối quyết liệt của vị chủ tịch họ Kim. Ngoài lý do “môn đăng hộ đối”, chuyện trắc trở này còn vì khúc mắc về chính trị bởi gia đình ông Jang có bà con sống ở bên kia vĩ tuyến 38, tức Hàn Quốc.
Hậu quả nhãn tiền là đang học giữa chừng, ông Jang bị chuyển qua Trường Đại học Kinh tế ở Wonsan. Rất may, ông Jang và bà Kim được anh trai Kim Jong-il ủng hộ hết mình. Chính nhờ ông Kim Jong-il mà ông Jang được trở lại Trường Đại học Kim Il-sung.
Sóng gió rồi cũng qua đi và ông Jang Song-thaek cưới bà Kim Kyong-hui năm 1972 sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Moscow. Ông Jang và bà Kim sau đó trở thành trợ lý thân cận nhất của Chủ tịch Kim Il-sung, giám sát các đại sứ quán và phái bộ ngoại giao Triều Tiên ở nước ngoài.
Hai ông bà cũng tham gia thiết lập các công ty thương mại thu về ngoại tệ cho chính phủ Triều Tiên. Ông bà Jang có hai người con là Jang Kum-song (nữ), sinh năm 1977 và Jang Kim-song (nam), sinh năm 1979.
Đỉnh cao và vực thẳm
Là một người thông minh, ăn nói khôn ngoan lại là con rể của Chủ tịch Kim Il-sung, đường quan lộ của ông Jang Song-thaek rộng thênh thang. Tham gia Đảng Lao động Triều Tiên từ đầu thập niên 1970, ông được bầu vào trung ương đảng năm 1992. Ba năm sau, vị thế của ông Jang càng được củng cố sau khi nắm trọn bộ máy an ninh bao gồm Bộ Công an, Bộ An ninh Nhân dân, Viện Kiểm sát Tối cao và Tòa án Tối cao.
Ông Jang cũng lãnh đạo Taesong, một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Triều Tiên. Jang Song-thaek được ông Kim Jong-il, lúc này là Chủ tịch Triều Tiên, rất tin cậy. Năm 2001, thanh thế của ông Jang lớn đến nỗi được coi là “người thân tín nhất” của Chủ tịch Kim Jong-il.
Tóm lại, trong gần 4 thập niên, ông Jang Song-thaek là nhân vật thân cận nhất của lãnh tụ Kim Jong-il. Từ năm 2010, ông đã được cơ quan tình báo Hàn Quốc và các nước phương Tây xác định là nhân vật số 2 của Triều Tiên. Chuyến thăm Trung Quốc năm 2012 với mục đích kinh tế là một chứng minh.
Tại Bắc Kinh, ông Jang được đón tiếp với lễ nghi không kém phần quan trọng so với Chủ tịch Kim Jong-il trước đây. Trước khi Jang đến Bắc Kinh, phân nửa đoàn tùy tùng của ông đã có mặt với tư cách tiền trạm. Ngay cả Đại sứ Trung Quốc tại Bình Nhưỡng, ông Liu Hong Cai, cũng phải trở về nước trước để đón tiếp ông Jang tại sân bay.
Tháng 4-2012, ông Jang được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Trong quân đội, ông thường mặc quân phục tướng 4 sao. Với đỉnh cao danh vọng như thế, ít ai ngờ rằng chỉ sau 2 năm dưới triều đại người cháu vợ Kim Jong-un, ông đã rớt xuống vực thẳm.
Kỳ tới: Jang Song-thaek phạm tội gì?
Từng bị thất sủng
Kể từ mùa thu năm 2003, tên tuổi ông Jang Song-thaek bất ngờ biến mất trên báo chí Triều Tiên. Đến ngày 25-11-2004, tình báo Hàn Quốc báo cáo quốc hội nước này rằng ông Jang đã bị quản thúc tại nhà ở Bình Nhưỡng. Một nguồn tin khác nói ông bị giam trong trại cải tạo lao động.
Do Triều Tiên hoàn toàn im lặng về sự kiện này, nhiều tin đồn đoán được lan truyền rằng ông Jang gặp nạn do thâu tóm quá nhiều quyền lực - có thể đe dọa vị thế của gia tộc họ Kim. Cũng có giả thuyết cho rằng ông Jang thất sủng vì có tư tưởng cải cách kinh tế kiểu Trung Quốc, chỉ trích chính sách kinh tế khép kín của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, tháng 3-2006, hình ảnh ông Jang bất ngờ tái xuất hiện bên cạnh Chủ tịch Kim Jong-il trên báo đài trong những sự kiện quan trọng. Ngày 6-12-2007, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) chính thức đưa tin ông Jang Song-thaek được bầu vào ban lãnh đạo đảng phụ trách khối an ninh nội chính và tư pháp. Sự hồi sinh này cũng đầy bí ẩn như lúc ông bị thất sủng.
Bình luận (0)