Trước nay, những bộ phim về thảm họa thiên nhiên luôn là những sản phẩm ăn khách nhất của mọi nền điện ảnh từ Hollywood đến Hàn Quốc. Con người vẫn luôn mang nỗi sợ hãi mơ hồ về một ngày sự sống bị tiêu diệt trước cơn giận dữ của thiên nhiên.
Tuy nhiên, một kịch bản cho ngày tận thế vẫn đang diễn ra trong đời thật từ những hậu quả ngày càng hiển hiện và sát sườn của biến đổi khí hậu.
Nước mắt Tuvalu
Trong bài phát biểu tại Hội nghị về biến đổi khí hậu Copenhagen (Đan Mạch) hôm 12.12, đại biểu của đảo quốc nhỏ bé Tuvalu Ian Fry đã bật khóc khi kêu gọi thế giới cứu lấy quê hương ông, theo tờ Business Standard.
"Không phải người đàn ông trưởng thành nào cũng dễ dàng thú nhận điều này nhưng sáng nay tôi đã khóc ngay khi vừa thức giấc", ông Fry nói trong nước mắt, "Số phận đất nước tôi đang nằm trong tay các bạn".
Các nhà hoạt động vì môi trường biểu tình kêu gọi bảo vệ Tuvalu tại Copenhagen - Ảnh: Reuters
Tuvalu là một đảo quốc nhỏ bé nằm giữa Hawaii và Úc. Giành độc lập từ Anh năm 1978, đảo quốc này gồm 9 đảo có tổng diện tích 26 km² và dân số gần 12.000 người, chủ yếu là người Polynesia bản địa.
Đây là quốc gia nhỏ thứ tư trên thế giới, chỉ lớn hơn Thành quốc Vatican, Công quốc Monaco và đảo quốc láng giềng Nauru.
Nơi cao nhất của Tuvalu chỉ cách mặt biển 4,5 mét, khiến nước này trở thành một trong những nơi chịu nguy cơ lớn nhất của mực nước ngày càng dâng cao.
Theo báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu LHQ, mực nước biển toàn cầu đã dâng cao mỗi năm trung bình 2 mm trong thế kỷ 20, gây ra bao điêu đứng cho người dân tại xứ đảo nhỏ bé này.
Sự xâm thực của nước biển khiến đất đai xói mòn, nhiễm mặn đồng thời gây thiệt hại cho những loại cây trồng rễ đâm sâu như dừa và khoai môn, những nông sản chính ở đây.
Đa số cư dân Tuvalu chỉ sống ở độ cao 1 hoặc 2 mét so với mặt nước biển nên hàng ngàn người đã bị mất nhà cửa trong vòng hơn 20 năm qua. Theo hãng tin IPS, tính tới năm 2007, hơn 4.000 người đã phải di cư sang New Zealand. Các nhà khoa học cảnh báo trong vòng 50-70 năm tới, Tuvalu sẽ chỉ còn lại vài mỏm đá trơ trọi ngoài biển khơi.
Cùng chung số phận với Tuvalu sẽ là những đảo quốc như Kiribati láng giềng hay Maldives tại Ấn Độ Dương. Kịch bản cho tương lai những nước này chỉ có một: nước biển dâng cao do nhiệt độ Trái đất tăng cộng với sự tan băng ở hai cực, làm ô nhiễm nguồn nước, xâm thực đất canh tác và đất ở và cuối cùng sẽ nhấn chìm tất cả.
Con muỗi ở độ cao hơn 3.000 mét
Trong danh sách Nhân chứng của biến đổi khí hậu của Quỹ bảo vệ thiên nhiên hoang dã (WWF) có một cái tên đáng chú ý - nhà thám hiểm người Nepal Apa Sherpa, đang giữ kỷ lục thế giới với 19 lần leo đến đỉnh Everest.
Ông Sherpa, 49 tuổi, đã dành cả đời thám hiểm đỉnh Everest và dãy Himalaya, nơi được xem là cực thứ ba của Trái đất với một khối băng vĩnh cửu. Tuy nhiên sự tồn tại tưởng như vĩnh viễn đó lại đang bị đe dọa.
Ông Sherpa cho biết tuyết đã không còn rơi tại khu vực Everest trong những tháng mùa đông trong khi lại đổ ào ạt vào thời gian cận hè như tháng 5. Thời tiết ngày càng nóng lên, gây ra những hiện tượng không ai tưởng tượng được.
"Tôi đã thấy muỗi bay vo ve ở Namche Bazzar với độ cao 3.440 mét, trong khi ruồi có thể sống khỏe ở độ cao 5.360 mét", ông viết trên website Panda.org của WWF.
Cũng lần đầu tiên trong mấy chục năm leo núi, Sherpa không phải tự làm tan băng để lấy nước uống vì những dòng suối nhỏ đã róc rách chảy trên sườn của "nóc nhà thế giới".
Theo Sherpa, thời tiết thay đổi khiến vụ mùa ở trong khu vực thất bát liên tục trong khi đàn bò yak, một trong những nguồn sống chính của cư dân dưới chân Himalaya, giảm số lượng từ từ vì cái nóng bất thường và bệnh tật do ruồi muỗi mang lại.
Tuy nhiên theo Sherpa, nguy cơ lớn nhất đe dọa toàn bộ khu vực là việc băng tan khiến khoảng 20 hồ băng ở Nepal có thể bị vỡ. "Đó sẽ là một thảm họa kinh hoàng không những cho người ở đây mà cả khu vực hạ nguồn", ông viết.
Cảnh báo của Sherpa hoàn toàn có thể thành sự thật khi một khảo sát của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố tuần rồi cho hay 2000-2009 là thập kỷ nóng nhất kể từ khi con người bắt đầu đo nhiệt độ Trái đất vào năm 1850.
"Nếu không có một thỏa thuận toàn cầu chống biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình của hành tinh sẽ tăng hơn 2 độ C trong thế kỷ này", hãng tin AP dẫn lời ông Michael Jarraud, Tổng thư ký WMO, phát biểu tại Copenhagen.
"Các bằng chứng cho thấy đây là khoảng thời gian nóng nhất trong vòng hơn 2.000 năm qua". Theo WMO, các đợt nóng nghiêm trọng ở Ấn Độ hồi tháng 5, và phía bắc Trung Quốc hồi tháng 6 là hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu. Nhiều khu vực ở Trung Quốc trải qua năm nóng nhất trong lịch sử. Thời tiết nóng cũng hoành hành và trở nên nghiêm trọng hơn tại Úc và Nam Mỹ.
Điều đáng nói là những nơi chịu hậu quả trực tiếp nặng nề nhất của biến đổi khí hậu hầu hết là những quốc gia đang phát triển. Một báo cáo về chỉ số rủi ro khí hậu vừa được tổ chức phi chính phủ GermanWatch tại Đức công bố tuần rồi cho thấy cả 10 nước dẫn đầu danh sách bị thiên tai tàn phá nặng nề nhất trong giai đoạn 1990-2008 đều thuộc nhóm có tổng thu nhập quốc gia trung bình và dưới trung bình.
Tổng cộng trong vòng 18 năm, 600.000 người thiệt mạng trong hơn 11.000 đợt thiên tai với thiệt hại 1,7 ngàn tỉ USD. Bangladesh, Myanmar, Honduras và Việt Nam là bốn nước bị ảnh hưởng nặng nhất so với các nước khác như Nicaragua, Haiti, Ấn Độ, Cộng hòa Dominica, Philippines và Trung Quốc.
Bình luận (0)