Căng thẳng biển Đông và các vùng biển lân cận có thể gia tăng đáng kể sau khi Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh, cho phép hải cảnh nước này triển khai mọi biện pháp cần thiết, kể cả sử dụng vũ khí, khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và tài phán bị các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài xâm phạm tại vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền phần lớn diện tích biển Đông cùng nhiều đảo do Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông. Mỹ và các đồng minh châu Âu thường xuyên triển khai tàu chiến trong các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải nhằm thách thức yêu sách hàng hải phi lý của Bắc Kinh.
Theo giới chuyên gia, bộ luật nêu trên có thể làm gia tăng rủi ro đụng độ quân sự giữa các tàu tham gia sứ mệnh này với tàu Trung Quốc. Bộ luật là động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm gia tăng quyền lực cho lực lượng hải cảnh, vốn được thành lập thông qua việc hợp nhất nhiều cơ quan hàng hải vào năm 2013 và trở thành một bộ phận của Cảnh sát Vũ trang Trung Quốc vào năm 2018. Bộ luật cũng có thể buộc những quốc gia khác, bao gồm Mỹ, đẩy mạnh hiện diện quân sự trong khu vực, đặc biệt là khi tàu hải cảnh Trung Quốc gần đây tăng cường xuất hiện tại các vùng biển tranh chấp.
Một ngày sau khi bộ luật trên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM) hôm 23-1 thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt (TRCSG) đã tiến vào biển Đông để thực hiện các chiến dịch bảo đảm tự do và an ninh hàng hải, cũng như để tham gia các hoạt động theo lịch trình cùng Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, như diễn tập phối hợp chiến thuật giữa các đơn vị trên không và trên biển.
Tàu khu trục USS John Finn, thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt, hoạt động trên biển Đông hôm 23-1Ảnh: Hải quân Mỹ
Theo chỉ huy tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, Eric Anduza, những chiến dịch này tái khẳng định cam kết của Washington đối với đồng minh và đối tác về sứ mệnh duy trì, bảo vệ "một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở".
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trên biển Đông và biển Hoa Đông, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi hôm 24-1 cho biết ông và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin nhất trí củng cố quan hệ đồng minh, "phản đối mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng" của 2 vùng biển này.
Cũng theo Bộ trưởng Kishi, ông và Bộ trưởng Austin tái khẳng định điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật yêu cầu Washington bảo vệ Tokyo trước một cuộc tấn công vũ trang, áp dụng cho cả quần đảo Senkaku (hiện do Tokyo kiểm soát nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư). Trong một tuyên bố cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết ông Kishi và ông Austin cũng đã nhất trí về vai trò then chốt của quan hệ đồng minh song phương, cũng như về sự cần thiết của việc hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực để duy trì, củng cố một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết ông Austin hối thúc Nhật Bản đóng góp nhiều hơn nữa cho nỗ lực bảo đảm an ninh khu vực. Trước khi nhậm chức, Bộ trưởng Austin khẳng định trong một phiên điều trần của Thượng viện rằng ông nóng lòng cải thiện quan hệ đồng minh với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Gọi Trung Quốc là thách thức hàng đầu của quân đội Mỹ, Bộ trưởng Austin cam kết phát triển năng lực, đề ra kế hoạch để duy trì lợi thế cạnh tranh. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Austin cũng đã điện đàm với 2 người đồng cấp phía Anh và Hàn Quốc là ông Ben Wallace và ông Suh Wook, để thảo luận hàng loạt vấn đề, trong đó có những lo ngại đến từ Trung Quốc.
Bình luận (0)