Đông Nam Á đã chứng kiến một số cuộc tấn công của các nhóm tay súng có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong năm nay, qua đó lộ rõ nguy cơ dễ bị tổn thương của khu vực trước khủng bố. Tại Philippines hồi tháng 5, các nhóm phiến quân địa phương đã liên kết với những tay súng từ Malaysia, Indonesia và những nước ASEAN khác để tấn công TP Marawi trong nỗ lực lập "tỉnh đầu tiên của IS" ở khu vực.
Các cuộc tấn công có nguy cơ ảnh hưởng ngày càng nhiều đến khu vực, nhất là khi IS tìm cách thu hút sự ủng hộ bên ngoài Trung Đông. Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương trước bản chất xuyên quốc gia của chủ nghĩa khủng bố hiện nay khi các tay súng có khả năng quay trở lại khu vực để tiếp tục hoạt động, làm gia tăng bạo lực và bất ổn. Hơn nữa, những xung đột hiện tại, sự căng thẳng về chủng tộc và tôn giáo cùng với tình trạng bất ổn tại một số khu vực của vài nước ASEAN tạo điều kiện lý tưởng cho sự mở rộng hệ tư tưởng được truyền cảm hứng từ IS.
Hôm 20-9, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 11 (AMMTC 11) diễn ra tại thủ đô Manila - Philippines nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa sự hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có khủng bố. Ngoài ra, một ngày trước khi AMMTC 11 khai mạc, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN đặc biệt về sự nổi lên của cực đoan hóa và chủ nghĩa cực đoan bạo lực lần thứ 2 (SAMMRRVE 2) được tiến hành với mục tiêu trao đổi quan điểm và những biện pháp tốt nhất để chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan.
Hai hội nghị trên là bước đi đúng hướng để tăng cường hợp tác về chống khủng bố giữa các thành viên ASEAN cũng như giữa khối này và những bên thứ 3 liên quan như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các thành viên ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết phải chia sẻ thông tin, trao đổi các giải pháp hiệu quả nhất, chia sẻ nguồn lực và cải thiện khả năng chống khủng bố của các nước. Tuy nhiên, không ít thách thức đang đe dọa sự hợp tác hiệu quả giữa các nước ASEAN. Một trong những khó khăn chính là sự khác biệt đáng kể về phát triển kinh tế, chính trị và xã hội giữa các nước thành viên, dẫn đến những cách tiếp cận khác nhau về chống khủng bố ở cấp độ quốc gia.
Sự khác biệt giữa các thành viên ASEAN có thể tạo ra những kết quả không đồng đều từ việc áp dụng chiến lược chống khủng bố toàn diện hơn tại khu vực. Các nước như Malaysia, Indonesia và Philippines có những liên kết địa lý mạnh mẽ và chịu tác động bởi chủ nghĩa cực đoan ở mức độ như nhau. Do đó, việc các nước này tăng cường hợp tác để ngăn khủng bố đi lại xuyên biên giới là một ưu tiên hiển nhiên.
Các lực lượng đặc nhiệm phô diễn kỹ năng chống khủng bố tại lễ khởi động chiến dịch tuần tra chung trên không giữa Malaysia, Indonesia và Philippines tại căn cứ không quân Subang (Malaysia) hôm 12-10 Ảnh: AP
Tuy nhiên, một số nước có thể gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy tắc chống khủng bố nghiêm ngặt hơn của ASEAN do ngân sách hạn chế và những thay đổi đáng kể về pháp lý mà một chiến lược như thế đòi hỏi. Thêm nữa, ASEAN được dựa trên nguyên tắc không can thiệp chuyện nội bộ của nhau. Do đó, mỗi quốc gia được khuyến khích phát triển khuôn khổ riêng để chống khủng bố. Trên thực tế, điều này đã cản trở việc tiến hành các hoạt động phối hợp chung cần thiết, như chia sẻ binh sĩ và thực hiện những chương trình chống khủng bố khác tại khu vực.
Nguyên tắc không can thiệp cũng dẫn đến sự ra đời của "hướng tiếp cận an ninh toàn diện" được chấp nhận rộng rãi trong ASEAN. Hướng tiếp cận này nhấn mạnh vai trò của các nước trong việc cung cấp an ninh và tập trung vào những khía cạnh phi quân sự của khủng bố và tội phạm, đồng thời khuyến khích hợp tác dựa trên những tiêu chuẩn chung và sự tin tưởng giữa các thành viên. Một hướng đi như thế có thể giải quyết hiệu quả những nguyên nhân gốc rễ của cuộc nổi dậy nhưng những người phê bình chỉ ra rằng nó vẫn chưa đủ để chống khủng bố xuyên quốc gia.
Hơn nữa, ASEAN vẫn thiếu những cơ chế thực thi cần thiết để biến các cam kết pháp lý thành biện pháp cụ thể. Ví dụ, trong năm 2007, tất cả quốc gia thành viên đã ký kết Công ước ASEAN về chống khủng bố (ACCT) và ACCT được phê chuẩn vào cuối năm 2013. Dù ACCT là một thành tựu đáng kể nhưng công ước này không đề cập cụ thể những cơ chế thực thi. Việc thực hiện những công cụ trước đó, như Tuyên bố ASEAN về khủng bố năm 2002, cũng gặp nhiều trở ngại tương tự, làm giảm hiệu quả những nỗ lực chống khủng bố tại khu vực.
Các thành viên giờ đây đã áp dụng nhiều cách tiếp cận đa diện hơn đối với vấn đề chống khủng bố, kết hợp đối phó thêm cả nạn buôn người, đưa người di cư vượt biên trái phép và tội phạm rửa tiền. Ngoài ra, Indonesia, Malaysia và Philippines đang cân nhắc thành lập một lực lượng đặc nhiệm 3 bên nhằm đối phó các nhóm khủng bố có liên hệ với IS, tập trung tăng cường kiểm soát ở vùng biển Sulu-Sulawesi, cũng như chia sẻ thông tin tình báo và ngăn tài trợ khủng bố.
Những sáng kiến khác như Trung tâm Chống khủng bố khu vực Đông Nam Á (SEARCCT) được kỳ vọng sẽ đóng vai trò lớn quan trọng hơn thông qua hoạt động huấn luyện và nghiên cứu chống khủng bố. Toàn bộ sáng kiến và đề xuất trên sẽ góp phần thúc đẩy hội nhập khu vực và phát triển một chiến lược chống khủng bố toàn diện của ASEAN.
Bình luận (0)