Với động thái này, ConocoPhillips chính thức rời Nga sau hơn 25 năm hoạt động. Báo Financial Times (Anh) hôm 22-12 nhận định sự ra đi ConocoPhillips nêu bật những thách thức mà các nhà đầu tư nước ngoài đối mặt trong lĩnh vực năng lượng ở Nga - thường chịu tác động của căng thẳng chính trị và sự biến động của giá dầu.
ConocoPhillips là một trong những công ty nước ngoài đầu tiên đầu tư vào ngành công nghiệp dầu khí Nga. Năm 2004, ConocoPhillips mua 7,6 % cổ phần ở Lukoil, công ty dầu tư nhân lớn nhất Nga, rồi tăng lên 20%.
Tuy nhiên, từ năm 2010, doanh nghiệp này bắt đầu giảm bớt sự hiện diện ở Nga thông qua việc bán lại cổ phần trong Lukoil. Năm 2014, ConocoPhillips tìm người mua cổ phần ở Polar Lights sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
“Không có khoản đầu tư nào của họ ở Nga thật sự hiệu quả” - ông Matthew Sagers, chuyên gia tại Công ty Tư vấn HIS (Mỹ), nhận định.
Cùng ngày, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định áp đặt trừng phạt lên 34 cá nhân, công ty nhằm tiếp tục tăng sức ép kinh tế để buộc Nga tôn trọng thỏa thuận hòa bình Minsk và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine. Những đối tượng trên bị cáo buộc đã hỗ trợ chính quyền Nga can thiệp vào Ukraine và giúp đỡ cựu tổng thống Viktor Yanukovych về vật chất.
Phát ngôn viên tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, lập tức chỉ trích Mỹ tiếp tục chính sách đối đầu và không thân thiện với Nga, đồng thời cho biết Moscow đang điều nghiên các biện pháp đáp trả.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Alexei Likhachev dự đoán các doanh nghiệp nước này nhiều khả năng bị thiệt hại hơn 3,5 tỉ USD khi Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Ukraine và Liên minh châu Âu có hiệu lực từ đầu năm 2016. Tuy vậy, ông Likhachev cho biết việc Nga rút khỏi FTA với Ukraine có thể làm giảm mức thiệt hại này xuống nhiều lần.
Bình luận (0)