Tuy Mỹ - Hàn – Nhật cùng bày sự nhất trí trước kết quả thượng đỉnh Mỹ - Triều hôm 12-6 song nhiều nhà phân tích cho rằng các đồng minh châu Á của Mỹ, và kể cả Lầu Năm Góc, đang cảm thấy bất an.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel dù hoan nghênh đối thoại Mỹ - Triều song tỏ ra lo ngại: "Những cuộc tập trận đó rất quan trọng bởi chúng mang ý nghĩa răn đe. Bạn không thể dừng chúng lại như vặn vòi nước được".
Một cuộc tập trận của Mỹ - Hàn trong năm 2015. Ảnh: AP
Mỹ bắt đầu đóng quân ở Hàn Quốc sau khi kết thúc cuộc chiến Triều Tiên vào năm 1953. Với hơn 28.000 binh sĩ hiện đồn trú ở Hàn Quốc, các cuộc tập trận quy mô lớn giữa hai nước nhằm đảm bảo sự phối hợp nhuần nhuyễn, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết cũng như răn đe Triều Tiên. Tuy nhiên, khi tuyên bố sẽ ngừng tập trận trong cuộc họp báo sau thượng đỉnh Mỹ - Triều hôm 12-6, Tổng thống Trump lại gọi chúng là "khiêu khích" và "trò chơi chiến tranh".
"Đây đích thực là luận điểm của Triều Tiên và Trung Quốc xưa nay. Họ luôn chỉ trích tập trận Mỹ - Hàn là diễn tập xâm lược" - bà Christine Wormuth, quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ giai đoạn 2014-2016, nói.
Giải thích thêm về nguyên nhân muốn dừng tập trận, ông chủ Nhà Trắng nói chúng "tốn kém cả một gia tài".
Theo hãng tin AP, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis vào tuần rồi đã yêu cầu các bộ chỉ huy tính toán chi phí của các cuộc tập trận lớn trên và quanh bán đảo Triều Tiên. AP cho hay trong qua khứ đã có một số ước tính, trong đó các cuộc tập trận nhỏ tốn khoảng 2 triệu USD, còn các cuộc lớn hơn tốn từ 15 triệu USD trở lên. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số nhỏ nếu so với mức ngân sách quốc phòng hiện đã vượt quá 700 tỉ USD của Mỹ.
Ông Trump từng than phiền chi phí để máy bay Mỹ bay từ Guam đến Hàn Quốc tập trận quá tốn kém. Ảnh: AAP
Cuộc tập trận lớn tiếp theo của Mỹ - Hàn theo kế hoạch là "Người bảo vệ tự do Ulchi". Năm ngoái, cuộc tập trận này được tổ chức vào tháng 8, kéo dài 11 ngày và có khoảng 17.500 lính Mỹ tham gia. Góp mặt trong "cuộc tập trận phòng vệ mô phỏng trên máy tính" này còn có quân đội các nước từng hiện diện trong cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953), gồm Úc, Anh, Canada, Colombia, Đan Mạch, New Zealand và Hà Lan.
Trong khi đó, hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin ngày 17-6 cho biết Mỹ và Hàn Quốc có thể thông báo "hoãn các cuộc tập trận quy mô lớn" trong tuần này. Tuy nhiên, trong thông báo này sẽ có thêm điều khoản nối lại tập trận nếu Triều Tiên không giữ lời hứa phi hạt nhân hóa. Năm 1992, Seoul và Washington hủy cuộc tập trận "Team Spirit" (tạm dịch: Tinh thần đồng đội) do đang trong quá trình đàm phán với Bình Nhưỡng nhưng nối lại vào năm sau đó.
Bình luận (0)