Liên Hiệp Quốc ước tính nạn đánh bắt trái phép gây thiệt hại 23 tỉ USD/năm cho kinh tế toàn cầu.
Bất chấp những hậu quả kinh tế và xã hội của việc đánh bắt cá bất hợp pháp, chính phủ Guinea đành khoanh tay đứng nhìn vì không đủ tiền để vận hành thiết bị giám sát cũng như tài trợ cho lực lượng cảnh sát biển, theo báo cáo của phóng viên đài BBC Tamasin Ford.
Ngư dân Abdoulaye Soumah, 32 tuổi, vẻ mặt đăm chiêu khi lái thuyền vào cảng Bonfi ở thủ đô Conakry của Guinea: “Trước đây, chúng tôi thu được 700-1.400 USD tiền cá mỗi ngày. Nhưng bây giờ, cá rất ít vì bị đánh bắt trái phép”.
Sau đó, ông Soumah nhẩm tính một ngày thuyền của ông chỉ thu được khoảng 140 USD tiền cá.
Tại một chợ cá ở Conakry, ông Aboubacar Kaba, người đứng đầu một liên đoàn thủy sản địa phương, lấy ra một con cá từ phía sau chiếc xe tải đông lạnh và nói: “Đây là loại cá có giá trị cao nhất ở châu Á, cá đù vàng. Chúng đang có nguy cơ tuyệt chủng và được cho là đã biến mất khỏi vùng biển của Trung Quốc vì bị đánh bắt quá mức”.
Theo ông Kaba, năm 2008, ít nhất 14 tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động trái phép ngoài khơi bờ biển Guinea. Còn năm nay, số lượng tăng lên gần 500 tàu và đều săn lùng cá đù vàng. Tính chung ở Tây Phi những năm vừa qua, hàng trăm tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc đánh bắt cá trái phép trong khu vực.
Một cuộc điều tra của tổ chức Hòa Bình Xanh cho thấy nạn đánh bắt cá bất hợp pháp ở Guinea càng hoành hành vào giai đoạn nước này phải dốc toàn lực chiến đấu với dịch Ebola. Cuối năm 2014, tàu của Hòa Bình Xanh phát hiện một tàu đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc xuất hiện mỗi 2 ngày/lần.
Nhà vận động của Hòa Bình Xanh, ông Ahmed Diame, cho biết: “Một số tàu Trung Quốc đánh bắt cá ở Tây Phi không khai báo tải trọng, gây thất thu đáng kể cho các nước bản địa”.
Tổ chức Hòa bình Xanh đã bắt đầu điều tra tại vùng biển châu Phi khác như Mũi Verde, Mauritania, Gambia, Guinea Bissau, Sierra Leone và Senegal. Họ khẳng định đã phát hiện nhiều tàu cá Trung Quốc khai gian tải trọng ở Senegal, Guinea-Bissau năm 2014.
Trong giai đoạn 2000-2006 và 2011-2013, ít nhất 183 trường hợp đánh bắt trái phép ở 6 nước Tây Phi. Tất cả các tàu bị phát hiện đều là tàu Trung Quốc và 31% vi phạm nhiều hơn một lần.
Đáng ngại hơn, đa số tàu cá Trung Quốc đều hoạt động theo kiểu “đánh bắt đáy”, vốn bị cấm ở nhiều nơi trên thế giới. Đánh bắt kiểu này sẽ phá hủy môi trường bởi tất cả mọi thứ từ đáy đại dương sẽ bị vét sạch, bao gồm san hô, trai sò cỡ lớn và những loài sinh vật biển khác.
“Lên đến 90% những thứ vét được này đều bị quăng trả lại biển và khi đó, chúng đã chết rồi" – tổ chức Hòa Bình Xanh cho biết.
Guinea gần đây đã ký một hiệp ước nhằm truy quét tàu cá đánh bắt trái phép nhưng vẫn còn quá sớm để bàn về những hiệu quả mang lại. Trước mắt, những ngư dân như ông Soumah chỉ thấy tương lai mù mịt và không biết thế hệ con cháu mình sẽ làm nghề gì để kiếm sống nếu từ bỏ ngư nghiệp.
Bình luận (0)