Chỉ huy lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ, Tướng James Amos, ngày 11-7 cho biết 2 tàu chiến Mỹ tuần tra ở khu vực Trung Đông đã tiến gần hơn bờ Biển Đỏ của Ai Cập những ngày qua.
Đây được coi là động thái phòng ngừa sau khi quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi. Mỹ thường đưa tàu hải quân tới gần các quốc gia bất ổn để bảo vệ hay sơ tán công dân Mỹ trong trường hợp cần thiết hoặc tham gia hỗ trợ nhân đạo, chứ không nhằm chuẩn bị hành động quân sự.
Cùng ngày, Mỹ chỉ trích động thái giam giữ, đe dọa bắt giữ những lãnh đạo của phong trào Anh em Hồi giáo, đồng thời thúc giục chính phủ lâm thời Ai Cập chấm dứt ngay hành động này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho rằng Ai Cập sẽ khó thoát khỏi khủng hoảng hiện nay nếu các vụ bắt giữ vì động cơ chính trị vẫn tiếp diễn. Liên Hiệp Quốc cũng khuyến cáo Cairo không nên có hành động trấn áp nhằm vào bất kỳ một đảng phái nào. Những phản ứng trên được đưa ra sau khi Ai Cập ra lệnh bắt thủ lĩnh và 8 nhân vật cao cấp của phong trào Anh em Hồi giáo.
Đám đông ủng hộ ông Morsi tại một cuộc biểu tình ở Cairo hôm 11-7
Ảnh: Reuters
Chính phủ Mỹ cho đến giờ vẫn không gọi vụ lật đổ ông Morsi là một vụ đảo chính quân sự, một động thái có thể dẫn đến việc Washington cấm viện trợ cho Ai Cập. Dù vậy, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11-7 nói rằng sự cầm quyền của ông Morsi trong một năm qua là "thiếu dân chủ".
Trong tuần tới, các nghị sĩ Mỹ có thể sẽ bỏ phiếu về một dự luật cho phép tiếp tục viện trợ cho Ai Cập ngay cả khi Washington xác định hành động của quan đội Ai Cập là đảo chính. Mỹ hiện viện trợ quân sự 1,3 tỉ USD và viện trợ kinh tế 250 triệu USD cho Ai Cập mỗi năm.
Cùng lúc này, những người ủng hộ ông Morsi kêu gọi thêm nhiều cuộc biểu tình trong ngày 12-7. Người dân Ai Cập chỉ còn biết cầu nguyện sẽ không tái diễn các vụ đụng độ làm hơn 90 người thiệt mạng gần đây.
Phong trào Anh em Hồi giáo muốn người dân xuống đường biểu tình cho đến khi nào ông Morsi được phục chức cho dù mục tiêu này xem ra ngày càng xa vời. Các quan chức cho biết cựu lãnh đạo này vẫn đang bị giam tại trụ sở của lực lượng Vệ binh Cộng hòa ở Cairo, nơi binh sĩ sát hại 53 người biểu tình Hồi giáo hôm 8-7.
Phong trào Anh em Hồi giáo tin rằng họ là nạn nhân của một cuộc trấn áp quân sự tàn bạo, gợi nhớ lại thời gian họ bị đàn áp khi Tổng thống Hosni Mubarak còn nắm quyền. Tuy nhiên, nhiều người chống đối đã quy trách nhiệm cho người Hồi giáo về tình trạng bạo lực, cũng như không mấy tiếc thương những người thiệt mạng, qua đó cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Ai Cập.
Bình luận (0)