Đại tá Patrick Ryder, phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ, thông báo: “Kế hoạch của chúng tôi là hộ tống các tàu mang cờ Mỹ nhưng cũng có thể bao gồm tàu của các quốc gia khác”. Mục đích của kế hoạch nhằm đối phó các “hành vi khiêu khích của Iran ở Vịnh Ba Tư”.
Trước đó, Đại tá Ryder xác nhận bất kỳ tàu Mỹ nào cũng có thể yêu cầu được hải quân “đi cùng” qua eo biển hẹp kể trên, ngay cả trong lãnh hải Iran. Quan chức này sử dụng từ “đi cùng” chứ không phải “hộ tống” và tiết lộ nếu cần thiết, tàu chiến Mỹ sẽ kèm tàu hàng nước khác trên toàn bộ khu vực vùng Vịnh.
Hôm 28-4, hải quân Iran nổ súng cảnh cáo và bắt tàu hàng Maersk Tigris treo cờ đảo quốc Marshall khi nó ngang qua eo biển Hormuz. Lầu Năm Góc sau đó gửi khu trục hạm USS Farragut trang bị tên lửa dẫn đường và trực thăng đến giám sát. Tehran giải thích do Công ty hàng hải Maersk Line, chủ tàu Maersk Tigris, còn thiếu nợ mình 3,6 triệu USD trong một vụ kiện năm 2005 nên mới để lính hải quân can thiệp bắt tàu.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tuần dương hạm tên lửa dẫn đường USS Normandy của Mỹ
hoạt động tại vùng biển Ả Rập. Ảnh: Reuters
Theo đài CBS News, hải quân Mỹ hiện có 5 tàu tuần tra, 4 tàu khu trục, 1 tàu sân bay (USS Theofore Roosevelt), 1 tàu tuần dương và 1 tàu quét mìn ở vùng Vịnh Ả Rập.
Eo biển Hormuz đóng vai trò sống còn đối với hoạt động thương mại dầu mỏ quốc tế. Iran kiểm soát dọc đường biên giới phía Bắc của tuyến hàng hải, biến nó thành con bài mặc cả trong những năm gần đây. Hồi năm 2012, Iran đe dọa đóng cửa eo biển, không cho các tàu hàng quốc tế lưu thông qua khu vực.
Trong một diễn biến khác, Nga hôm 1-5 chỉ trích phương Tây và khối Ả Rập - thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) – chỉ “nói mồm” đối với nhu cầu viện trợ nhân đạo tại Yemen. Hội đồng Bảo an trước đó không thể nhất trí đề xuất của Moscow về việc kêu gọi tạm dừng chiến dịch không kích của liên quân Ả Rập tại Yemen để cung cấp hàng cứu trợ.
Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho biết 3 “điều khoản” cứu trợ của Nga đã bị Hội đồng Bảo an “trì hoãn”. Ông Churkin nói sau buổi tham vấn kín về tình hình Yemen: “Tôi chỉ yêu cầu lệnh ngừng bắn nhân đạo để thuận lợi cho việc phát hàng cứu trợ nhưng họ thậm chí không thể đồng ý”.
Một quan chức Mỹ cho rằng phiến quân Houthi và lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh mới phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng nhân đạo do họ đơn phương từ chối lệnh ngừng bắn. Điều này không nằm trong kế hoạch của Washington nên không thể quy trách nhiệm cho Mỹ.
Đây được xem là căng thẳng mới giữa Nga và phương Tây sau những bất đồng trước đó về tình hình Syria và Ukraine. Ngoài ra, cũng liên quan đến Yemen, một báo cáo Liên Hiệp Quốc mới đây cáo buộc Iran cung cấp vũ khí cho phiến quân Houthi từ năm 2009.
Bình luận (0)