Ông Swift đưa ra tuyên bố trên khi đang trên tàu khu trục USS Sterett mang tên lửa dẫn đường tại TP Trạm Giang, thuộc tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu chiến Mỹ đến Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức.
Phát biểu với giới truyền thông, Đô đốc Swift cho biết số ngày các tàu Mỹ lưu lại biển Đông dự kiến lên đến 900 ngày trong năm nay, so với mức trung bình khoảng 700 ngày/năm. Điều này xuất phát từ sự gia tăng số lượng các nhóm tàu sân bay hoạt động tạm thời ở Thái Bình Dương.
Ngoài ra, ông Swift nhấn mạnh không có thay đổi nào trong chính sách của Mỹ về biển Đông giữa lúc có nỗi lo Tổng thống Donald Trump có thể dịu giọng với Trung Quốc để đổi lấy sự giúp đỡ trong việc ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Đô đốc Scott Swift (phải) tiếp phái đoàn Hải quân Trung Quốc trên tàu USS Sterett hôm 14-6 Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Trước đó, ông Swift từng cho biết không có sự thay đổi nào đối với các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải của hải quân Mỹ dưới thời chính quyền mới. Hồi tháng rồi, một tàu chiến Mỹ đã đi vào vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép). Đây là chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải đầu tiên của Mỹ kể từ khi Nhà Trắng có chủ mới.
Ngoài ra, tàu USS Steret vào tuần qua tham gia huấn luyện ở biển Đông, khiến Bắc Kinh phải cảnh báo họ đang giám sát chặt chẽ hoạt động quân sự của Washington tại khu vực. Tình hình biển Đông đang căng thẳng bởi những hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hóa phi pháp của Bắc Kinh, dẫn đến phản ứng mạnh của Washington thời gian qua.
Các nhà phân tích Trung Quốc xem chuyến thăm kéo dài 5 ngày của tàu USS Sterett (bắt đầu từ hôm 12-6) là minh họa cho sự phức tạp trong mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới. "Có những hành động khiêu khích nhưng chuyến thăm này lại mang tính hữu nghị. Điều này phản ánh sự mâu thuẫn trong lòng mối quan hệ Mỹ - Trung" - ông Xu Guangyu, cựu phó chủ tịch Viện Quốc phòng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nhận định với tờ Los Angeles Times.
Thực trạng quan hệ nói trên ít nhiều sẽ được phơi bày khi quan chức ngoại giao, quốc phòng 2 nước nhóm họp tại thủ đô Washington ngày 21-6 tới trong khuôn khổ Đối thoại ngoại giao và quốc phòng Mỹ - Trung Quốc. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis trong khi đại diện phía Trung Quốc là Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và tướng Phòng Phong Huy, Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cuộc đối thoại nhằm "mở rộng các lĩnh vực hợp tác, thu hẹp khác biệt về những vấn đề ngoại giao, an ninh quan trọng".
Reuters dẫn lời ông Tillerson cho biết vấn đề Triều Tiên sẽ đứng đầu chương trình nghị sự. Ngoài ra, tình hình biển Đông nhiều khả năng được nói đến, nhất là sau khi ông Mattis gần đây chỉ trích mạnh mẽ những yêu sách hàng hải quá đáng của Trung Quốc ở vùng biển quan trọng này.
Bình luận (0)