Khi đến cảng hạm đội Bắc của Trung Quốc, tàu khu trục USS Benfold đã phát tín hiệu cho hải quân nước này.
Phát biểu ngắn gọn với truyền thông, trung tá hải quân Mỹ Justin L. Harts cho biết chuyến thăm nhằm xây dựng quan hệ với hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, ông từ chối trả lời những câu hỏi về tranh chấp ở biển Đông và "nhường" quyền phát ngôn về vấn đề này cho Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii.
Đô đốc Scott Swift, sĩ quan hải quân hàng đầu của Mỹ tại châu Á, sẽ xuất hiện trong buổi họp báo ngày 9-8 ở Thanh Đảo.
Hồi tháng trước, Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện yêu sách “đường lưỡi bò” của nước này ở biển Đông. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuần rồi cũng chỉ trích Mỹ, Nhật Bản và Úc “thổi bùng ngọn lửa” căng thẳng trong khu vực sau khi họ đưa ra tuyên bố chung kêu gọi Bắc Kinh không xây dựng tiền đồn quân sự hoặc cải tạo đất trong vùng biển tranh chấp.
Cùng ngày 8-8, cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos đã khởi hành tới Hồng Kông trong chuyến thăm 5 ngày, mục đích nối lại quan hệ đang trục trặc với Trung Quốc liên quan đến tranh chấp hàng hải ở biển Đông.
“Điều này có thể mở đường cho các cuộc đàm phán ngoại giao trong tương lai” - ông Ernesto Abella, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết. Ông nói thêm cựu Tổng thống Ramos sẽ “gặp gỡ những người bạn cũ và có thể chơi một vài đường golf” ở Trung Quốc.
Ông Ramos, 88 tuổi, chấp thuận đề nghị của Tổng thống Duterte để tới Trung Quốc làm đặc phái viên sau phán quyết của PCA ngày 12-7.
Tân Hoa Xã nhận định ông Ramos rất thích hợp cho vai trò “phá băng quan hệ” vì là một chính khách được tôn trọng ở Philippines cũng như châu Á. Ông làm tổng thống Philippines giai đoạn 1992-1998.
Tuy nhiên, trước khi khởi hành, cựu tổng thống khẳng định "bàn về phán quyết của PCA trong chuyến đi không phải là nhiệm vụ của tôi".
Bình luận (0)