Tạp chí Affaires Stratégiques (Pháp) số ra mới đây đăng bài trả lời phỏng vấn của ông Eric Frecon, giáo viên Trường Hải quân, về khả năng tạo thế cân bằng giữa các cường quốc ở biển Đông - một vùng biển giàu tài nguyên và có vai trò địa chiến lược quan trọng - trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông, giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á ở biển Đông ngày một gia tăng.
Theo ông Eric Frecon, ít có khả năng Trung Quốc đẩy cao xung đột với Nhật Bản và các nước có liên quan vì một thế cân bằng mới đang hình thành trong khu vực.
Mặc dù Trung Quốc được cho là một cường quốc hải quân, tự trang bị cho mình nhiều phương tiện, song nước này phải đối mặt với một loạt quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á cũng đang tự trang bị các phương tiện hải quân như tàu cao tốc nhỏ có khả năng chống lại các chiến dịch triển khai hải quân lớn ở trong vùng.
Biển Đông không phải đất dụng võ cho các đội tàu lớn của Trung Quốc
Hơn nữa, biển Đông có những đặc trưng riêng, là một vùng biển hẹp gần như khép kín, có nhiều eo biển khiến các đội tàu chiến lớn không thể xoay xở dễ dàng. Thêm vào đó, các nhóm tàu này có thể bị tiêu diệt bởi tên lửa chống hạm đặt dọc đường bờ biển. Các giàn tên lửa này cộng với các tàu nhỏ cao tốc của hải quân các nước trong vùng là mối đe dọa đối với Trung Quốc nếu họ tiến xuống phía Nam.
Can dự vào khu vực này không chỉ có Trung Quốc, ngoài Mỹ và Nhật Bản còn có Ấn Độ cũng bắt đầu quan tâm. Như vậy, đã xuất hiện một thế cân bằng nhất định giống như ở châu Âu trước đây với rất nhiều kênh trao đổi và thảo luận cho phép giữ trạng thái cân bằng đó.
Về khả năng Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự trong cuộc xung đột với Nhật Bản ở biển Hoa Đông và hậu quả của nó, chuyên gia Eric Frecon khẳng định Trung Quốc không sẵn sàng đẩy xung đột lên cấp độ cao hơn.
Hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với hai mặt trận, phía Bắc với Nhật Bản và phía Nam với một số nước Đông Nam Á. Tình hình dường như căng thẳng hơn ở phía Bắc nhưng có vẻ lắng dịu hơn ở phía Nam. Như vậy, Trung Quốc phải cân nhắc xem xung đột với Nhật Bản phải giải quyết như thế nào để tạo được ảnh hưởng với các cuộc thảo luận ở biển Đông và từ đó có thể gây sức ép với các nước ven biển.
Chuyên gia Eric Frecon cho biết ông hoàn toàn tin rằng sáng kiến của Indonesia, Singapore có thể tạo động lực kích hoạt trở lại sự năng động của khu vực trong bối cảnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không tạo được động lực cần thiết.
Các nước thứ ba có thể có tác động tới tình hình khu vực thì có thể là Úc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Theo chuyên gia Eric Frecon, EU có ảnh hưởng đáng kể với tư cách là đối tác thương mại thứ hai của ASEAN.
Đặc biệt, EU có kinh nghiệm về kiểm soát xung đột biển, tranh chấp biển, kiểm soát giao thông đường biển, các nước có tranh chấp biển có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các nước EU. Hơn nữa, tất cả các nước châu Âu đều có trong kho lưu trữ của mình những tấm bản đồ, các bản báo cáo có thể giúp ích cho việc giải quyết xung đột biển.
Bình luận (0)