Các công tố viên đến từ Hà Lan, Úc, Bỉ, Malaysia và Ukraine đều có mặt trong Nhóm Điều tra chung (JIT). Trước đó, một cuộc điều tra hồi năm ngoái của Ủy ban An toàn Hà Lan đã đưa ra kết luận là tên lửa Buk do Nga sản xuất đã bắn máy bay nhưng không nói rõ nó được khai hỏa từ đâu.
Trong báo cáo mới công bố ngày 28-9, nhóm công tố viên cho hay nhiều nhân chứng nhìn thấy bệ phóng tên lửa Buk bắn rơi máy bay được vận chuyển đến Ukraine từ Nga, theo đài BBC.
Bộ Ngoại giao Ukraine hoan nghênh những công bố của JTI, nói rằng cho thấy “sự tham gia trực tiếp” của Nga trong vụ máy bay MH17 rơi. Cơ quan này xem báo cáo của JTI là “cột mốc quan trọng” trong việc đưa những người chịu trách nhiệm vụ bắn rơi MH17 ra trước công lý.
“Điều này sẽ đặt dấu chấm hết cho các nỗ lực của Nga để làm mất uy tín các hoạt động và kết luận của JTI qua thông tin bịa đặt hay bị bóp méo” - Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết.
Về phía Nga, Bộ Ngoại giao nước này bày tỏ thất vọng trước kết quả điều tra.
Ông Robby Oehler, có cháu gái thiệt mạng trong vụ bắn rơi máy bay, cho đài BBC hay các công tố viên đã nói với người thân của các nạn nhân rằng họ sẽ điều tra khoảng 100 người liên quan.
“Họ nói với chúng tôi về cách thức tên lửa Buk được vận chuyển. Họ nói đã thu thập bằng chứng từ các cuộc nghe lén điện thoại, hình ảnh, phim tài liệu, video” – ông Oehler nói. Ông này nói thêm các công tố viên cho biết tên lửa được bắn đi từ lãnh thổ do phe nổi dậy ủng hộ Nga kiểm soát.
Các bằng chứng của nhóm điều tra do Hà Lan đứng đầu có thể được sử dụng làm cơ sở cho một vụ xử hình sự.
Theo báo Guardian, JIT đã xem xét kịch bản quả tên lửa Buk thủ phạm xuất phát từ lữ đoàn tên lửa chống máy bay số 53 của chính phủ Nga đóng ở TP Kursk của Nga.
Kịch bản này tương tự kịch bản của một số nhà điều tra độc lập - như nhóm các nhà báo điều tra Bellingcat căn cứ vào hình ảnh vệ tinh và chia sẻ trên các phương tiện truyền thông xã hội của binh sĩ. Tuy nhiên, Moscow đã nhiều lần phủ nhận cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy Ukraine.
Để củng cố cho lập luận của mình, JIT trưng ra đoạn ghi âm chứng minh lực lượng nổi dậy cho biết cần tên lửa Buk và sau đó nhận được. Một số nhà điều tra cho rằng tên lửa được đưa qua biên giới Nga và chuyển trở lại sau vụ việc.
JIT loại trừ khả năng xảy ra chiếc máy bay xấu số gặp trục trặc kỹ thuật hay có “một cuộc tấn công trong máy bay” (chẳng hạn khủng bố). Dẫn nhiều dữ liệu radar, JIT cũng cho rằng không có máy bay nào bắn hạ MH17.
Ngày 17-7-2014, chiếc Boeing 777 bị nổ tung trên không trung khi đang bay từ Amsterdam (Hà Lan) tới thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia). Toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, lực lượng chính phủ Ukraine đang giao tranh với phe ly khai thân Nga.
Ngay trước khi công bố kết quả điều tra, Bộ Quốc phòng Nga ngày 26-9 đã công bố các hình ảnh radar cho thấy không có tên lửa nào được phóng đi từ khu vực do lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine kiểm soát.
“Thực tế là Ukraine vẫn chưa công bố thông tin từ trạm radar, điều này có thể cho thấy tên lửa được phóng đi là từ lãnh thổ do quân đội Ukraine kiểm soát” - đại tá quân đội Nga Andrei Koban nói.
Bình luận (0)