Hãng tin Bloomberg ngày 18-3 trích dữ liệu cho thấy các máy bay trên hoạt động gần quỹ đạo của tên lửa Ấn Độ nhưng các phi công không nhận được tư vấn hay cảnh báo về mối nguy hiểm.
Tên lửa được phóng từ thị trấn Ambala - Ấn Độ và đáp xuống Mian Channu, miền Đông Pakistan vào ngày 9-3.
Hai chiếc máy bay, bao gồm của hãng hàng không Flydubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) và hãng hàng không IndiGo (Ấn Độ), đã vượt qua quỹ đạo của tên lửa trong vòng 1 giờ, theo dữ liệu của trang web theo dõi chuyến bay Flightradar24.
Các mảnh vỡ được cho là thuộc về tên lửa Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Các máy bay quốc tế khác hoạt động trong vùng lân cận quỹ đạo của tên lửa và trong phạm vi tên lửa bao gồm của hãng hàng không Kuwait Airways (Kuwait) và hãng hàng không Qatar Airways (Qatar). Nhiều chiếc bay trên bầu trời gần thời điểm Ấn Độ "vô tình phóng tên lửa vào Pakistan".
Phát ngôn viên quân đội Pakistan Babar Iftikhar cho biết tên lửa Ấn Độ có khả năng gây ra một thảm họa hàng không lớn. Theo phát ngôn viên của không quân Pakistan Tariq Zia, tên lửa bay ở độ cao 12.000 m với vận tốc 3.700 km/h. Các máy bay thương mại thường hoạt động xung quanh độ cao này.
Nhà sáng lập Công ty tư vấn Martin Consulting (trụ sở tại Dubai) Mark Martin nói: "Thật không may. Nó có thể dẫn đến một thảm họa. Nếu tên lửa đánh trúng một máy bay quốc tế ở Pakistan thì sao? Điều này có thể leo thang thành một cuộc xung đột".
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tuần trước tuyên bố họ đang xem xét quy trình xử lý tên lửa và sẽ tăng cường biện pháp an toàn.
Sự cố trên gợi nhớ đến vụ chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị tên lửa bắn rơi ở Ukraine năm 2014, giết chết toàn bộ 298 người trên khoang.
Năm 2020, Iran cũng vô tình bắn hạ một máy bay chở khách của Ukraine sau khi nhầm nó là tên lửa hành trình khiến 176 người thiệt mạng.
Bình luận (0)