Đầu tháng 11, xuất hiện báo cáo hệ thống phòng không Patriot (Mỹ sản xuất) đã bắn rơi một tên lửa Burqan-2 được cho là do phong trào Houthi - được Iran hậu thuẫn - phóng từ lãnh thổ Yemen.
Nhận xét về vụ việc, Tổng thống Donald Trump sau đó ca ngợi hệ thống Patriot và khẳng định nó "đã triệt hạ tên lửa nói trên ở không trung". "Không ai làm được những gì chúng tôi làm. Và bây giờ, chúng tôi bán (Patriot) ra toàn thế giới" – nhà lãnh đạo Mỹ nói với báo The New York Times.
Hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất. Ảnh: U.S. ARMY
Tuy nhiên, tờ báo này đề cập đến việc phân tích các hình ảnh và video cho thấy tên lửa đã vượt qua hệ thống phòng thủ của Ả Rập Saudi và đầu đạn của nó suýt đánh trúng mục tiêu - sân bay ở thủ đô Riyadh. Theo New York Times, đầu đạn phát nổ gần nhà ga trong nước của sân bay tới mức hành khách phải bỏ chạy khỏi ghế ngồi.
The New York Times cũng dẫn lời một số nhân chứng nói rằng đã có một vụ nổ cách sân bay thủ đô Riyadh gần 20 km. Nếu đúng vậy, nhiều khả năng đầu đạn đã tách ra khỏi tên lửa trước khi nó bị hệ thống Patriot của Ả Rập Saudi phá hủy.
Theo các quan chức Ả Rập Saudi, các mảnh vỡ dường như thuộc về một tên lửa Burqan-2. Một bản phân tích các mảnh vỡ cho thấy những thành phần của đầu đạn - phần mang chất nổ của tên lửa - không được tìm thấy.
Trong khi đó, một số quan chức Mỹ nói rằng không có bằng chứng Ả Rập Saudi đã bắn trúng tên lửa. Thay vào đó, phần thân và đầu đạn của tên lửa có thể tự vỡ ra dưới áp lực của tên lửa khi đang bay.
Những bằng chứng mà Ả Rập Saudi công bố có thể chỉ đơn giản là tên lửa được phóng ra từ hệ thống Patriot như đã lên kế hoạch nhưng trúng hay không thì không rõ.
Các mảnh vỡ của tên lửa bắn vào Ả Rập Saudi. Ảnh: The New York Times
Tờ báo còn nhấn mạnh trong quá khứ, chính phủ Mỹ đã "phóng đại" tính hiệu quả của hệ thống Patriot - vốn trở nên nổi tiếng khi được sử dụng trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991.
"Các chính phủ nói dối về hiệu quả của hệ thống này. Hoặc họ nhận được những thông tin sai lệch. Điều đó làm chúng tôi lo lắng" – chuyên gia Jeffrey Lewis trả lời báo The New York Times.
Bà Laura Grego, chuyên gia về tên lửa tại Liên minh Các nhà khoa học liên quan, đã bày tỏ quan ngại vì các hệ thống phòng không của Ả Rập Saudi phải bắn tới 5 lần vào tên lửa đang bay tới.
Về Burqan-2, đây là một phiên bản của tên lửa Scud mà NATO gọi là tên lửa đạn đạo chiến thuật P-17 do Liên Xô sản xuất, hiện vẫn được sử dụng tại một số quốc gia, bao gồm Triều Tiên.
Một vấn đề khác đáng chú ý không kém. Đó là phiến quân Houthi đã đủ mạnh để tấn công các địa điểm trọng yếu của Ả Rập Saudi. Chi tiết này có thể đảo ngược thế cân bằng của cuộc chiến kéo dài 3 năm qua tại Yemen.
Tên lửa Scud. Ảnh: SPUTNIK
Bình luận (0)