Theo Reuters, nhiều chuyên gia khẳng định trọng tâm của chuyến thăm kéo dài 2 ngày của Tổng thống Donald Trump chính là thỏa thuận thương mại song phương. Các cuộc đàm phán đã diễn ra nhiều tháng và nếu ông Donald Trump có thể đạt được thỏa thuận với New Delhi, đây sẽ là một thắng lợi chính trị dành cho ông.
Kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ - Ấn Độ đang ở mức 160 tỉ USD. Tuy nhiên, hy vọng về một thỏa thuận đã phai nhạt trong những tuần qua khi Mỹ thể hiện quan ngại về hàng loạt vấn đề như gia tăng thuế quan, kiểm soát giá cả và lập trường của Ấn Độ về thương mại điện tử. Trong khi đó, Ấn Độ muốn Mỹ khôi phục các nhượng bộ thương mại trong khuôn khổ hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) sau khi New Delhi bị Washington loại khỏi danh sách những nước được hưởng ưu đãi vào năm ngoái.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại TP Ahmedabad - Ấn Độ hôm 24-2 Ảnh: Reuters
"Ngay cả một thỏa thuận hạn chế cũng sẽ là một tín hiệu quan trọng đối với ngành công nghiệp ở cả 2 nước rằng Mỹ và Ấn Độ đang nghiêm túc về việc phát triển thương mại song phương… và họ có thể giải quyết bế tắc. Tuy nhiên, tôi không lạc quan vì những tuyên bố trong thời gian qua của chính phủ 2 nước" - bà Nisha Biswal, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Ấn Độ, khẳng định.
Bên cạnh thương mại, sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc cũng là một trong những vấn đề dự kiến được 2 nhà lãnh đạo bàn bạc trong chuyến thăm lần này, theo bà Tanvi Madan - Giám đốc Dự án Ấn Độ tại Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ). Theo Reuters, Ấn Độ và Mỹ đã xây dựng các mối quan hệ chính trị, an ninh gần gũi và chuyến thăm là dấu hiệu cho thấy hai bên muốn tìm kiếm sự hợp tác để đối phó sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Bình luận (0)