Theo Reuters ngày 1-4, chính phủ Thái Lan đã điều động giới chuyên gia địa chất và hơn 80 nhóm đến những khu vực chưa có mạng lưới thủy lợi cũng như những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng khi nước hồ chứa cạn kiệt.
"Khi nước mặt cạn kiệt, chúng ta chỉ còn nguồn nước dưới lòng đất" - Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Varawut Silpa-Archa khẳng định, đồng thời cho biết thêm Thái Lan sở hữu nguồn nước ngầm dồi dào, với khoảng 10%-15% lượng nước mưa của họ nằm dưới lòng đất.
Công nhân làm việc tại một địa điểm khai thác nước ngầm ở tỉnh Kanchanaburi - Thái Lan, hồi giữa tháng 3 .Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, khai thác nước ngầm là vấn đề gây tranh cãi, bởi các nhóm bảo vệ môi trường cho rằng nên bảo vệ và quản lý các nguồn nước mặt tốt hơn thay vì phụ thuộc quá mức vào các nguồn tài nguyên trong lòng đất.
Họ khẳng định khai thác nước ngầm có thể khiến hồ nước và các vùng đất ngập nước trở nên khô cằn, ảnh hưởng tiêu cực đến động vật hoang dã và thực vật. Theo họ, khai thác nước ngầm còn có nguy cơ khiến các tầng chứa nước cạn kiệt, mực nước ngầm giảm sút và đất đai sụt lún - như từng xảy ra ở thủ đô Bangkok và khu vực xung quanh.
Bất chấp những nỗi lo trên, Bộ trưởng Silpa-Archa nhấn mạnh "mọi biện pháp đề phòng" đang được triển khai. Mặc dù Thái Lan khuyến khích nông dân trồng trọt theo hướng ít tiêu thụ nước hơn, nhu cầu nước nông nghiệp vẫn gia tăng, buộc giới chức nước này cân nhắc phương án tăng cường khai thác nước ngầm.
Bình luận (0)