Sau một đêm trên đường phố Bangkok, hàng ngàn người biểu tình Thái Lan tiếp tục tuần hành đến các văn phòng chính phủ trong sáng 14-1. Các giao lộ chính ở Bangkok vẫn còn bị phong tỏa.
134 chi nhánh ngân hàng đóng cửa
Thủ lĩnh cuộc chống đối Suthep Thaugsuban cho biết phe biểu tình không có ý định phá hoại cuộc sống của người dân. Mục tiêu chính của họ là ngăn chặn các quan chức chính phủ làm việc.
Phát biểu trước người ủng hộ đêm 13-1, ông Suthep tuyên bố: “Trong 2 hoặc 3 ngày tới, chúng ta phải đóng cửa mọi văn phòng chính phủ. Nếu không được, chúng ta sẽ cầm giữ thủ tướng và các bộ trưởng. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách cắt nước, điện tại nhà họ. Tốt nhất là họ nên cho trẻ em trong nhà di tản”.
Một bộ phận người chống đối cực đoan còn dọa sẽ chiếm thị trường chứng khoán và đài kiểm soát không lưu ở Bangkok nếu chính phủ không từ chức trước ngày 15-1. Thế nhưng, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã bác bỏ yêu sách này.
Cuộc biểu tình đang tái diễn những gì xảy ra trong năm 2010, thời điểm khoảng 90 người “Áo đỏ” thiệt mạng vì cuộc đàn áp của quân đội. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin gì về tình trạng bạo lực. Thậm chí, một số nhà quan sát còn nhận định cuộc biểu tình giống một lễ hội không ô tô hơn là mối đe dọa nghiêm trọng với chính phủ.
Trong khi đó, báo The Bangkok Post dẫn thông tin từ Ngân hàng Thái Lan cho biết tổng cộng 35 chi nhánh ngân hàng thương mại đã tạm thời đóng cửa trong ngày 13-1, 99 chi nhánh khác đóng cửa ngày 14-1 vì lý do an ninh.
Cơ quan điều hành du lịch Thái Lan thông báo hoạt động du lịch vẫn diễn ra bình thường. Các khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại và bệnh viện vẫn mở cửa, chỉ có một số thay đổi về giờ mở cửa.
Vẫn còn nguy cơ đảo chính
Các cơ quan an ninh và chính phủ tạm quyền Thái Lan dự báo chiến dịch làm tê liệt Bangkok sẽ xẹp xuống sau 3 ngày. Các thủ lĩnh phe ủng hộ chính phủ cũng nhận định Bangkok chỉ có thể bị đóng cửa tối đa 1 tuần vì người dân thủ đô sẽ mất kiên nhẫn trước những đảo lộn trong đời sống.
Ông Suthep không tin như vậy: “Chúng tôi sẽ chứng minh họ sai”. Ông Nitithorn Lamlua, một trong những nhân vật cực đoan của phe biểu tình, tuyên bố: “Chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến khi giành thắng lợi”. Ông này nhấn mạnh các thủ lĩnh cuộc chống đối đã bị chính phủ cáo buộc tội phản loạn nên họ không thể lùi bước.
Theo cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Kinh tế Esaan tại Trường ĐH Khon Kaen, hơn 70% cư dân miền Đông Bắc Thái Lan - “căn cứ” của Đảng Pheu Thai cầm quyền - cho biết sẽ tham gia cuộc bầu cử sắp tới và hơn 75% phản đối đóng cửa Bangkok.
Tình hình này khiến Tổ chức Nghiên cứu Khủng hoảng quốc tế (ICG) nhận định cơ hội cho một giải pháp hòa bình ở Thái Lan đang thu hẹp. Thay vào đó, những nỗ lực ngăn chặn bầu cử đang khiến bạo lực chính trị có nguy cơ lan rộng và có thể kích động một cuộc đảo chính quân sự.
UDD chống đảo chính
Trong khi Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) đang tổ chức các cuộc biểu tình ở Bangkok nhằm lật đổ chính phủ, Chủ tịch Mặt trận Thống nhất vì Dân chủ chống độc tài (UDD) - bà Tida Tawornseth - đã kêu gọi các thành viên trên cả nước tán thành màu trắng là màu biểu tượng để chống lại cuộc đảo chính.
Như vậy, họ sẽ mặc áo trắng thay vì áo đỏ, thắp nến trắng trên đường phố và lên án ý tưởng tiến hành cuộc đảo chính. Bà Tida thông báo chiến lược mới là để đối phó với ý đồ kích động đảo chính của một số phong trào khác.
Bình luận (0)