Theo báo The Bangkok Post, cả 3 nghi phạm mới nhất này đều là nam giới nhưng chưa rõ quốc tịch. Họ bị cáo buộc sở hữu vật liệu nổ trái phép.
2 người có tên là Ali Jolan và Ahmet Bozonglan, còn người thứ 3 chưa xác định được danh tính. Tuy nhiên, thông tin trên mạng xã hội cho thấy tên của Ahmet xuất hiện trên một hộ chiếu được cấp ở Tân Cương. Nhà chức trách tin rằng 3 người này vẫn còn ở Thái Lan và có liên hệ với nghi phạm bị bắt hôm 29-8.
Trước đó đã có 3 lệnh bắt giữ được ban hành đối với 2 người đàn ông nước ngoài (1 người là nghi phạm áo vàng bị bắt hôm 31-8 và vừa được công bố thông tin chiều 1-9) và 1 phụ nữ Thái Lan 26 tuổi tên Wanna Suansan (tên Hồi giáo là Maisaroh). Nhà cô này ở tỉnh miền Nam Phang-nga đã bị lục soát song cô không có mặt ở nhà.
Trong cuộc phỏng vấn với một phóng viên qua điện thoại trước đó, Wanna phủ nhận liên quan đến vụ đánh bom đền Erawan tối 17-8 vì cô sống cùng chồng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã 3 tháng nay. Cô cũng tuyên bố không đến căn hộ mà mình thuê ở quận Min Buri, Bangkok gần 1 năm nay. Tại căn hộ này, cảnh sát tìm thấy một số vật liệu chế tạo bom.
Tất cả được cho là có liên quan đến 2 vụ đánh bom ở đền Erawan (tối 17-8) và cầu cảng Sathon (chiều 18-8). Về nghi phạm bị bắt hôm 31-8 – được Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha xác nhận là nghi phạm chính áo vàng, một nguồn tin cảnh sát cho báo The Bangkok Post biết hắn bị bắt ở Campuchia. Ngày 1-9, hắn được chuyển giao cho phía Thái Lan tại thị trấn biên giới Poipet, tỉnh Banteay Meanchey của Campuchia (đối diện quận Aranyaprathet, tỉnh Sa Kaeo – Thái Lan).
Hắn bị thẩm vấn tại doanh trại ở Aranyaprathet trước khi được đưa về Bangkok bằng trực thăng cùng ngày. Nguồn tin từ chối tiết lộ hắn bị bắt tại đâu ở Campuchia, chỉ nói hắn bị bắt khi đang trên đường tới Phnom Penh và tên hằn là "Yusufu".
Báo chí Thái Lan hôm 1-9 đăng tải tấm hình chụp một tấm hộ chiếu Trung Quốc của nam thanh niên 25 tuổi tên Yusufu Mieraili, đến từ khu tự trị Tân Cương.
Bình luận (0)