Đó là ngày 14-4-1865, một ngày bình thường ở Nhà Trắng khi cuộc nội chiến mới kết thúc không lâu trước đó.
Xả thân cứu tổng thống
Tổng thống Abraham Lincoln đọc báo, ăn sáng và họp nội các như thường lệ. Ông ký ban hành luật ủy quyền cho một cơ quan chính phủ đến nay đã trở nên nổi danh khắp thế giới với nhiệm vụ bảo vệ tổng thống dù luôn hoạt động trong thầm lặng.
Quyết định thành lập Cơ quan Mật vụ Mỹ được cho là một trong những hoạt động chính thức cuối cùng của ông Lincoln. Song trớ trêu là nó xảy ra đúng vào cái đêm ông bị tay súng John Wilkes Booth ám sát khi đang xem vở “Our American Cousin” trong Nhà hát Ford’s ở thủ đô Washington D.C.
Tuy nhiên, nếu cơ quan này có ra đời sớm hơn, người ta vẫn nghi ngờ khả năng điều đó có thể chặn đứng thảm kịch đến với vị tổng thống cực kỳ được yêu thích của nước Mỹ. Dù câu chuyện nhiệm vụ của các vệ sĩ cho ông Lincoln vẫn mãi là chủ đề tranh luận bất tận trong khi nhiều người vẫn không nghĩ rằng một diễn viên trong vở kịch lại tìm cách sát hại tổng thống.
Sau khi Tổng thống Lincoln bị ám sát, an ninh bảo vệ tổng thống Mỹ được thắt chặt. Mật vụ Mỹ lúc bấy giờ vẫn chưa được giao nhiệm vụ bảo vệ tổng thống mà làm công việc khá bất ngờ: Điều tra và ngăn chặn nạn tiền giả. Lúc bấy giờ, khoảng 30%-50% đồng bạc xanh lưu hành ở Mỹ là tiền giả.
Cho tới tận năm 1902, một năm sau vụ Tổng thống William McKinley bị ám sát, cơ quan mới bắt đầu bảo vệ tổng thống, phó tổng thống và gia đình của họ khỏi những nguy hiểm luôn cận kề. Lực lượng chuyên trách là Đơn vị Bảo vệ Tổng thống của Cơ quan Mật vụ Mỹ (PPD).
Chia sẻ trong cuốn “Standing Next to History: An Agent’s Life Inside the Secret Service” (tạm dịch: Theo dòng lịch sử: Bí mật cuộc đời mật vụ Mỹ), tác giả Joe Petro - từng phục vụ trong Cơ quan Mật vụ 23 năm và hiện là giám đốc an ninh cho Tập đoàn Citigroup - cho biết: “Có một truyền thuyết rằng các mật vụ phải thề sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ tổng thống. Song thực tế không hề có lời thề hay yêu cầu nào như vậy”.
Tuy nhiên, đến nay, đã có không ít mật vụ sẵn sàng xả thân khi đang làm nhiệm vụ. Trường hợp đầu tiên là mật vụ William Craig thiệt mạng khi dùng thân mình cản một chiếc xe mất lái đang lao vào xe ngựa chở Tổng thống Theodore Roosevelt năm 1902.
Mật vụ duy nhất hy sinh trong một vụ ám sát tổng thống Mỹ được ghi nhận là Leslie Coffelt, cứu Tổng thống Truman thoát chết trước 2 tay súng Puerto Rico năm 1950. Cũng rất nổi danh là mật vụ Tim McCarthy, đã che chắn thành công cho Tổng thống Reagan trong một vụ ám sát.
Sợ nhất là sự nhàm chán
“Phần lớn chúng ta cúi người khi nghe tiếng súng nhưng mật vụ phải làm điều ngược lại. Khi súng nổ, họ được huấn luyện rút vũ khí, đứng thẳng và bắn trả. Thay vì bảo vệ bản thân, chúng tôi biến mình thành một mục tiêu lớn hơn. Đó là một lý do tại sao tất cả các cuộc huấn luyện của chúng tôi đều tiến hành với việc đứng thẳng. Chúng tôi không nằm sấp mà bắn” - ông Petro cho biết.
Ở một góc nhìn khác, nhiếp ảnh gia Brooks Kraft, vốn gắn bó với Nhà Trắng suốt 16 năm qua, cho rằng “nhàm chán” mới là thử thách dai dẳng nhất đối với những người làm công việc thầm lặng như mật vụ Mỹ. Họ đứng bất động suốt 10 giờ hay 12 giờ trên những cánh đồng, bậc thang chỉ để quan sát và lắng nghe.
Cựu mật vụ Dan Emmett - từng bảo vệ 3 đời tổng thống Mỹ, bao gồm George H. W. Bush, Bill Clinton và George W. Bush, chia sẻ: Một ngày không ngủ suốt 24 giờ, không có thời gian cho bữa trưa và cả bữa tối nữa, đứng bên ngoài một ngôi nhà giữa cơn mưa và lúc 3 giờ sáng trong suốt nhiều giờ, bắt một chiếc xe tới sân bay rồi cuối cùng lên máy bay tới một thành phố lớn trên chuyến bay kéo dài 4 giờ.
Những công việc không tên như vậy lặp đi lặp lại suốt mấy ngày liên tiếp. Để mỗi nhiệm vụ đó hoàn thành, bạn cũng có thể phải hy sinh những dấu mốc trọng đại nhất trong đời của những người thân thiết như: sinh nhật con, lễ tốt nghiệp của bọn trẻ hay thậm chí cả lễ kỷ niệm ngày cưới.
Ông Emmett cho biết thêm rằng công việc này đối mặt với vô vàn thách thức. Những mật vụ độc thân thì có vẻ sẽ dễ thở hơn những người đã lập gia đình. Tuy nhiên, tất cả những ai sống sót sau mỗi nhiệm vụ đều khẳng định nó đáng để họ hy sinh. “Tôi chưa từng thấy một mật vụ PPD nào nói rằng họ muốn lựa chọn khác đi” - ông Emmett chia sẻ.
Để bảo đảm an toàn cho ông chủ Nhà Trắng, tất nhiên mật vụ Mỹ được trang bị những vũ khí tối tân và thiết bị công nghệ hiệu quả nhất. Theo nhiếp ảnh gia Kraft, những mật vụ chuyên nghiệp vẫn cần nhất sự nhạy cảm của các giác quan và bản năng để bảo vệ an toàn cho thân chủ.
Họ phải biết để mắt tới những kẻ trông lạc lõng trong đám đông, những kẻ không cười khi tất cả đều cười và vẫy tay… Với sự nhạy cảm như vậy, mật vụ Larry Buendorf từng chặn đứng một vụ nổ súng nhằm vào Tổng thống Gerald Ford chỉ nhờ phát hiện ánh mắt lạ của một phụ nữ trong đám đông tại Sacramento.
Ngày nay, ngoài tổng thống và gia đình, Cơ quan Mật vụ Mỹ còn được ủy nhiệm để bảo vệ phó tổng thống, ứng viên tổng thống được chọn và gia đình riêng của họ. Trước năm 1994, các tổng thống khi đã rời Nhà Trắng sẽ được Cơ quan Mật vụ bảo vệ trọn đời. Sau đó, một bộ luật được sửa đổi lúc ấy đã quyết định tất cả tổng thống Mỹ đắc cử sau ngày 1-1-1997 chỉ còn được bảo vệ trong thời gian 10 năm kể từ khi họ rời nhiệm sở.
“Cái bóng” của Tổng thống Obama
Có một người đàn ông được cho là theo sát Tổng thống Mỹ Barack Obama như hình với bóng suốt nhiều năm qua. Đó chính là Đội trưởng Đội An ninh của tổng thống, ông Joe Clancy.
Ông Clancy được chỉ định vào vị trí này từ ngày 1-2-2009 sau hơn 27 năm kinh nghiệm làm việc trong Cơ quan Mật vụ Mỹ. Đến năm 2011, ông rời Cơ quan Mật vụ để chuyển sang làm việc tại một công ty an ninh tư nhân. Vào tháng 2-2015, ông quay trở lại Nhà Trắng và được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Cơ quan Mật vụ với nhiệm vụ chấn chỉnh đơn vị này sau hàng loạt bê bối.
Kỳ tới: Bên trong vỏ bọc lạnh lùng
Bình luận (0)