Dự án mang tên Hades này do Viện Khoa học Trung Quốc bắt đầu tiến hành trong tháng 11.
Các nhà khoa học dự định xây dựng căn cứ nói trên tại vùng sâu nhất của đại dương, ở độ sâu từ 6.000-11.000 m và được vận hành bằng trí tuệ nhân tạo. Chi phí của dự án vào khoảng 160 triệu USD.
Căn cứ nằm sâu dưới biển sẽ có bến để kết nối với tàu ngầm robot được đưa xuống để thăm dò nền biển, ghi lại các sinh vật tồn tại ở đó và thu thập mẫu khoáng chất. Cơ sở này sẽ tự động phân tích mẫu vật và gửi báo cáo về trung tâm trên bờ.
Ông Du Qinghai, nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Đại dương Thượng Hải, đánh giá việc xây căn cứ dưới đáy biển còn khó hơn trạm không gian và chưa có quốc gia nào làm điều này.
Không có gì lạ khi một số nhà khoa học tỏ ra hoài nghi về dự án, vốn được cho là sẽ đối mặt không ít thách thức lớn về chính trị và công nghệ.
Biển Đông đang là tâm điểm của cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng nên dự án không dễ diễn ra. Dù vậy, phe ủng hộ cho rằng Bắc Kinh có thể chia sẻ dữ liệu và công nghệ với các nước láng giềng để tìm kiếm sự ủng hộ.
Tàu lặn không người lái mang tên Hailong 11000 của Trung Quốc. Ảnh: Weibo
Về mặt công nghệ, các nhà khoa học sẽ phải phát triển được vật liệu có khả năng chống lại áp lực nước ở độ sâu nói trên. Bên cạnh đó, môi trường khắc nghiệt dưới đáy biển đồng nghĩa chi phí của dự án tham vọng này có thể còn cao hơn bất kỳ ước tính nào.
Một khó khăn khác là tìm được một địa điểm phù hợp và đủ sâu để đặt căn cứ này. Ông Yan Pin, chuyên gia tại Viện Khoa học Quảng Châu, cho biết một lựa chọn khả dĩ là rãnh Manila, nơi duy nhất ở biển Đông đạt độ sâu trên 5.000 m.
Rãnh này có độ sâu 5.400 m nhưng nằm trong vùng thường xuyên xảy ra động đất vào có nhiều hoạt động núi lửa diễn ra. Rãnh này cũng nằm gần bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc và Philippines có cuộc đối đầu 2 năm trước.
Phản ứng trước thông tin trên, ông Jay Batongbacal, chuyên gia về các vấn đề hàng hải và luật biển, cho rằng chính phủ Philippines nên bày tỏ lo ngại với kế hoạch của Trung Quốc bất kể mục đích của nó có thể chỉ là nghiên cứu khoa học.
"Về lâu dài, đây sẽ là một phần lập luận mà Trung Quốc đưa ra sau này rằng họ có sự quản lý và kiểm soát thực tế đối với biển Đông" – ông Batongbacal lo ngại.
Trong khi đó, nhóm môi trường Best Alternatives bày tỏ nỗi lo về tác động môi trường của dự án. Họ nhắc lại chuyện Bắc Kinh xây đảo nhân tạo phi pháp đã tàn phá các rạn san hô ở biển Đông.
Bình luận (0)