Trước cuộc gặp được nhiều người ngóng đợi này, cựu Giám đốc Viện Kinh tế - Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Pei Changhong quả quyết rằng Bắc Kinh không nên và không thể chấp nhận các điều kiện mà Mỹ đưa ra để "đình chiến" thương mại. Vị chuyên gia vốn là thành viên tổ tư vấn cấp cao của chính phủ Trung Quốc này cho rằng Tổng thống Trump sử dụng cuộc chiến thương mại như công cụ nhằm uy hiếp Trung Quốc nhượng bộ về mặt kinh tế. Thế nhưng, thỏa thuận "đình chiến" đã đạt được sau bữa tối kéo dài hơn 2 giờ ở Buenos Aires - Argentina, kéo giãn thêm thời gian để 2 nước hóa giải những bất đồng.
Nhà Trắng ca ngợi thỏa thuận đình chiến là chiến thắng đối với Tổng thống Donald Trump Ảnh: REUTERS
Theo bình luận của báo The Washington Post, một số nhượng bộ lần này từ Bắc Kinh trước Mỹ nằm trong số những điều Washington đã tìm kiếm từ lâu. Đó là việc Trung Quốc nhất trí dán nhãn fentanyl - một loại ma túy tổng hợp chết người vốn chịu trách nhiệm cho hàng chục ngàn cái chết vì ma túy ở Mỹ hằng năm - là chất bị kiểm soát. Thêm vào đó, Bắc Kinh đồng ý xem xét lại vụ thâu tóm của nhà sản xuất chip Mỹ Qualcomm đã bị Trung Quốc chặn đứng trước đó.
Bình luận của Tổng thống Trump - gọi đây là "một thỏa thuận tuyệt vời" - dường như là thể hiện rõ nhất cho sự hài lòng của nhà lãnh đạo Mỹ đối với mục tiêu mà ông đặt ra trước cuộc gặp: "gây sức ép lên Trung Quốc" để đạt sự nhượng bộ từ Bắc Kinh. Trong khi đó, thông báo của Nhà Trắng cũng "đóng khung" thỏa thuận đình chiến là "chiến thắng" đối với Tổng thống Trump và chiến thuật đàm phán không lùi bước của ông. Qua đó, Mỹ giành được những cam kết từ Trung Quốc gắn kết vào đàm phán về những ưu tiên kinh tế chủ chốt của Mỹ, trong khi Washington phải nhượng bộ rất ít.
Giới quan sát cho rằng tin vui này sẽ tiếp sức sống cho thị trường và thể hiện rõ nét bằng những diễn biến tích cực khi thị trường chứng khoán mở cửa tuần mới ngày 3-12. Theo The South China Morning Post (Hồng Kông), đối với nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Trung Quốc, thỏa thuận "đình chiến" nói trên nghe như "khúc nhạc bên tai". Dù tỏ ra lạc quan như vậy nhưng nhiều chủ doanh nghiệp ngày 2-12 chia sẻ họ vẫn giữ nguyên kế hoạch rời nhà máy khỏi Trung Quốc đại lục và đưa sang các nước Đông Nam Á.
Bình luận (0)