Israel nói vẫn “xác định và vô hiệu hóa” các đường hầm của Hamas trong thời gian ngừng bắn. Có mặt ở khu vực hôm 25-7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết cả Israel và Hamas đều lảng tránh khi đề cập đến một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài. Dù vậy, theo Reuters, các ngoại trưởng Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar... sẽ tụ họp ở Paris - Pháp để tiếp tục nỗ lực tháo ngòi nổ xung đột.
Chưa biết xung đột lần này sẽ kết thúc ra sao. Chỉ có 2 điều chắc chắn, theo trang Foreign Policy, Israel sẽ giành được một chiến thắng chiến thuật nhưng bù lại, phải nhận lãnh một thất bại chiến lược! Không phải bàn cãi về thắng lợi trên chiến trường của Israel. Trong khi hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt giảm thiểu thiệt hại về người và vật chất cho Israel trước làn mưa rốc-két của Hamas thì chiến dịch không kích lẫn tấn công trên bộ mà họ đẩy mạnh đang gây những tổn thất to lớn cho Dải Gaza.
Tel Aviv có thể cho rằng ngăn chặn được Hamas giết hại người Israel cũng tức là giáng cho phong trào Hồi giáo này một đòn trí mạng. Nhưng không hẳn thế. Dĩ nhiên, tiêu diệt người Israel không nằm ngoài mục đích của Hamas song nó không mang tính sống còn. Mục tiêu tối thượng mà Hamas theo đuổi là đập vỡ một cảnh đời yên bình - như ở London, Paris hay New York - mà Israel muốn xây dựng cho người dân của mình. Trước đây, rốc-két của Hamas chỉ quẩn quanh ở miền Nam Israel và không đủ sức khiến người dân nước này gián đoạn nhịp sinh hoạt. Nay thì khác, Hamas phóng rốc-két tới tận Tel Aviv, Jerusalem, Haifa, Beer Sheva - tất cả thành phố lớn của Israel. Thiệt hại nhân mạng không bao nhiêu nhưng mỗi ngày người Israel phải nhiều lần vội vã tìm nơi trú ẩn. Viễn cảnh sống bình yên tiêu tan, một số người Israel có thể thất vọng tìm đường di cư. Bất đồng về cách ứng xử với người Palestine cũng sẽ hằn sâu hơn trong xã hội Israel. Những mâu thuẫn nội tại trên chưa đủ khuất phục Israel nhưng xói mòn phần nào sức mạnh của họ, bao gồm sức mạnh nằm trong ý chí dân tộc. Như vậy đã là thắng lợi cho Hamas.
Hamas còn được nhiều hơn thế. Bên cạnh ngành du lịch đang tê liệt, Israel còn phải chịu đựng việc nhiều hãng hàng không của Mỹ và châu Âu tạm thời ngừng bay đến đây. Quan trọng hơn cả là số thương vong tăng cao từng ngày ở Gaza biến Israel thành kẻ gây hấn trong mắt nhiều nước phương Tây dù lần này Hamas khai hỏa trước. Hình ảnh những em bé Palestine thoi thóp trong đau đớn càng thử thách sức chịu đựng của cộng đồng quốc tế. Bất chấp việc Nhà Trắng nói Hamas không thể chối bỏ trách nhiệm khi trút rốc-két lên người dân Israel, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã khởi động cuộc điều tra sau khi Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Navi Pillay tuyên bố “nhiều khả năng Israel đã phạm tội ác chiến tranh ở Gaza”. Sức ép tâm lý đè nặng sẽ dần đẩy Israel vào tình thế bị cô lập về mặt chính trị và thậm chí bị tẩy chay về kinh tế.
Xung đột tại Dải Gaza đang có dấu hiệu vượt ra ngoài khu vực khi các phe phái Palestine tuyên bố tiến hành “Ngày thịnh nộ” ở Đông Jerusalem và Bờ Tây hôm 25-7, dẫn đến xung đột dữ dội với cảnh sát Israel. Tình hình còn có thể phức tạp hơn với sự kiện thủ lĩnh nhóm Hồi giáo vũ trang Hezbollah là Sayyed Hassan Nasrallah vừa cam kết ủng hộ triệt để Hamas dù 2 nhóm đang hục hặc vì cuộc nội chiến Syria. Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá khả năng Hezbollah tham chiến không cao bởi nhóm này đang phải dốc toàn lực cho mặt trận Syria.
Bình luận (0)