Khi các tay súng bắn tỉa nổ súng bắn chết dân thường tới gần một hàng rào, hẳn có những tiếng vọng dội về đầy xáo trộn trong lòng bất cứ ai từng sống ở TP Berlin - Đức.
Israel có quyền bảo vệ biên giới của mình nhưng không phải bằng cách sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình phần lớn đều không có vũ trang như cách họ đã khiến 35 người Palestine thiệt mạng và gần 1.000 người bị thương.
Phản ứng thái quá vốn gắn liền với những đe dọa sống còn mà Israel tuyên bố nhưng điều đó ngày càng ít thuyết phục hơn. Israel đang áp đảo Palestine về quân sự và các nước Ả Rập không còn quan tâm nhiều đến cuộc đấu tranh của người Palestine.
Phía Israel nói rằng Phong trào Hồi giáo Hamas (của Palestine) đang sử dụng phụ nữ và trẻ em làm lá chắn sống cho những người biểu tình bạo lực muốn đâm thủng hàng rào và giết người Israel. Kịch bản rất quen thuộc: theo sau đó là những cuộc điều tra quốc tế, kết quả không thuyết phục, hận thù lại nhân đôi.
Israel thắng nhưng mà thua. Những ai ghét Israel và người Do Thái có một ngày đáng nhớ. Phản ứng quân sự quá mức dễ gây cảm giác khó chịu. Ở dải Gaza, bạo lực là không tránh khỏi. Cái gọi là sự nguyên trạng giữa Israel và Palestine đang là nguồn cơn gây đổ máu.
Điều quan trọng là nhìn ra bên ngoài hàng rào Gaza, cũng giống như tất cả hàng rào khác, đều là biểu tượng của thất bại. Đó là điều xảy ra khi ngoại giao hết đường, thỏa hiệp tan biến và ngờ vực thắng thế. Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng mất hứng thú với cái ông gọi là "thỏa thuận tối thượng" (giữa Israel và Palestine).
Vài tuần trước, 6 cựu giám đốc của Mossad, cơ quan tình báo Israel, đã gióng lên hồi chuông báo động. Khi những nhân vật từng có trách nhiệm cao nhất đối với an ninh của Israel nói rằng tiến trình hiện nay của nước này là thất sách, điều đó đáng để chú ý.
Đây là điều người đứng đầu Mossad từ năm 2011-2015, ông Tamir Pardo, nói với nhật báo Yedioth Ahronoth của Israel: "Nếu nhà nước Israel không quyết định điều mình muốn, cuối cùng sẽ có một nhà nước đơn lẻ nằm giữa biển và đất nước Jordan. Đó là sự kết thúc của tầm nhìn người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái".
Giám đốc Mossad giai đoạn 1996-1998, ông Danny Yatom, nói: "Đó là một đất nước sẽ trở thành nhà nước phân biệt chủng tộc hoặc một nhà nước phi Do Thái. Nếu chúng ta tiếp tục cai trị các vùng lãnh thổ, tôi thấy rằng đó là mối đe dọa đến sự sống còn của Israel. Một nhà nước kiểu đó không phải điều chúng ta hướng tới. Một số người sẽ nói rằng chúng ta đã làm tất cả và rằng không có đối tác nào. Thế nhưng, điều đó không đúng. Dù muốn hay không, người Palestine và những người đại diện cho họ là những đối tác chúng ta cần tiếp xúc".
Em bé khóc tại lễ tang của một nạn nhân người Palestine thiệt mạng vì bị thương trong cuộc biểu tình ở biên giới Israel - Gaza hôm 23-4 Ảnh: REUTERS
Thủ tướng thứ 5 của Israel, ông Yitzhak Rabin, đã thiệt mạng trong cuộc ám sát do một điệp viên Israel chống đối tất cả thỏa hiệp về lãnh thổ - một lập trường ngày càng phổ biến từ năm 1967 - gây ra.
Trong khi đó, niềm tin của Palestine vào sự thỏa hiệp 2 nhà nước cũng xói mòn dần trong 2 thập kỷ qua. Người ta ngày càng nghe thấy thuật ngữ "chiếm đóng" được dùng để mô tả sự tồn tại của Israel, thay vì nói về điều quốc gia này làm với bờ Tây hay Gaza. Cả hai lãnh thổ này đều bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967 (Israel đã rút khỏi Gaza năm 2005 nhưng vẫn duy trì sự kiểm soát hữu hiệu thông qua phong tỏa trên không, trên biển và một số biện pháp khác).
Các cuộc tuần hành đang diễn ra tại Gaza vào ngày thứ sáu hằng tuần không chỉ nhằm chống lại sự phong tỏa 11 năm ở dải đất này mà còn khơi lại sự quan tâm của quốc tế đối với những đòi hỏi của người Palestine về quyền được trở về ngôi nhà họ đã bị đẩy ra từ năm 1948.
Người Palestine bị mất nhà cửa sau khi các quân đội Ả Rập tuyên chiến năm 1948 với Israel. Khi đó, quốc gia này đã chấp nhận Nghị quyết 181 của Liên Hiệp Quốc năm 1947, trong đó kêu gọi thiết lập 2 nhà nước có quy mô tương đương, một Do Thái, một Ả Rập - trong phần lãnh thổ ủy trị Palestine thuộc quyền quản lý trực tiếp của Anh. Nghị quyết này là một sự thỏa hiệp được cho là dù không toàn diện nhưng vẫn tốt hơn những lựa chọn khác.
Những người Palestine không khoan nhượng có thể nói rằng họ đang nhìn xa trông rộng. Song 70 năm là một quãng thời gian không ngắn và họ vẫn đang thua thiệt. Xu hướng này khó có thể đảo ngược giữa lúc người Palestine vẫn đang thiếu một ban lãnh đạo thực tế, thống nhất và sáng tạo tập trung vào một tương lai 2 nhà nước.
Nhiều người đã ngã xuống chẳng vì cái gì. Hành động quá mức, Israel đã đưa đầu vào một cái thòng lọng không thể biện hộ được về mặt đạo đức bằng cách kiểm soát cuộc sống của người khác. Ông Shabtai Shavit, Giám đốc Mossad trong giai đoạn 1989-1996, ngậm ngùi: "Tại sao chúng ta sống ở đây? Để cháu chắt chúng ta tiếp tục chiến tranh hay sao? Điều điên rồ này là gì? Lãnh thổ, đất đai quan trọng hơn cuộc sống con người sao?".
Bình luận (0)