Cơ quan điều tra Thái Lan đang nỗ lực với hy vọng tìm thấy cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra trước khi phiên tòa phán quyết vụ án của bà đã được dời sang ngày 27-9.
"Bông hồng thép" Thái Lan
Đã hơn nửa tháng kể từ khi bà Yingluck Shinawatra "biến mất", giới chức trách Thái Lan vẫn chưa xác nhận cựu thủ tướng đang ở đâu.
Theo phát ngôn mới nhất liên quan tới cuộc điều tra từ Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwon ngày 8-9, chiếc xe Mercedes nghi chở bà Yingluck được phát hiện lần cuối cùng khi đang chạy về hướng một trạm kiểm soát quân sự gần biên giới Campuchia. Các nguồn tin trong Đảng Puea Thai tiết lộ bà Yingluck đã rời khỏi Thái Lan trước ngày phán quyết, tới Campuchia, rồi từ đây bay qua Singapore và đã tới Dubai an toàn, nơi anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang sống lưu vong.
Tại lễ mừng sinh nhật lần thứ 50 của mình vào ngày 21-6, bà Yingluck đã bật khóc và cam kết sẽ không rời khỏi đất nước Ảnh: ASIAN CORRESPONDENT
Tuy nhiên, một nguồn tin mật tiết lộ Dubai không phải điểm dừng chân cuối cùng, bà Yingluck có thể sẽ xin tị nạn tại Anh.
Các nguồn tin của Bangkok Post nghi vấn bà Yingluck có trong tay ít nhất 2 hộ chiếu nước ngoài, bao gồm Campuchia và Nicaragua, đồng thời bà nhận được sự trợ giúp của nhiều nhân vật quyền lực ở Phnom Penh để có thể tới đoàn tụ với anh trai tại Dubai. Ông Thaksin cũng được cho là tác giả của kế hoạch chạy trốn hoàn hảo đó.
Là con út trong gia tộc Shinawatra giàu có và uy quyền ở phía Bắc Thái Lan, bà Yingluck từng làm nên lịch sử khi trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của xứ Chùa Vàng vào năm 2011 với làn sóng ủng hộ mạnh mẽ. Tuy nhiên, 3 năm cầm quyền vỏn vẹn của nữ lãnh đạo mang dáng dấp của một minh tinh màn bạc này đã trở thành quãng đời sóng gió nhất trong sự nghiệp chính trị.
Thời gian cầm quyền của nữ thủ tướng được mệnh danh là "bông hồng thép" Thái Lan kết thúc sớm vào đầu tháng 5-2014 khi Tòa Hiến pháp buộc bà phải từ chức sau khi bị kết tội lạm quyền. Sau đó, chính quyền của bà Yingluck bị quân đội nước này lật đổ trong một cuộc đảo chính dẫn tới sự hình thành một chính quyền quân sự do tướng Prayut Chan-o-cha lãnh đạo cho tới nay.
"Bóng đen" đảo chính
Trước khi đến với chính trường và trở thành thủ tướng trẻ nhất trong vòng 60 năm của Thái Lan ở tuổi 44, bà Yingluck (năm nay 50 tuổi), đã nổi bật trong giới doanh nhân giàu có. Bà là Giám đốc quản lý Công ty Viễn thông AIS của gia đình Shinawatra do cựu Thủ tướng Thaksin gầy dựng và một công ty kinh doanh bất động sản có tên SC Asset Company.
Dù có trong tay 2 tấm bằng về chính trị, một của ĐH Chiang Mai ở quê nhà và một của ĐH Kentucky (Mỹ), ái nữ của gia tộc Shinawatra vẫn bị cho là non kinh nghiệm chính trị. Thậm chí, nhân vật thân cận lúc đó của nhà Shinawatra là ông Sompong Amornvivat từng nói với Đại sứ Mỹ ở Thái Lan Eric John rằng ông cũng không có dự định tạo ra một vị thế lớn cho bà Yingluck ở Đảng Pheu Thai.
Nhưng bà Yingluck thuận bề bước vào con đường chính trị. Lợi thế "người thân" của ông Thaksin đã giúp bà Yingluck lấy được thiện cảm đặc biệt với các cử tri và trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan vào tháng 8-2011. Những người từng chỉ trích bà non yếu kinh nghiệm chính trường, chỉ là "con rối" cho người anh trai đang lưu vong ở nước ngoài, hẳn đã quy kết quá vội vàng.
Theo một khảo sát, nội các của bà được đánh giá cao nhất về năng lực kinh tế, thậm chí hơn cả thời ông Thaksin nắm quyền. Nữ lãnh đạo cũng được lòng nhiều người dân vì ban hành nhiều chính sách hướng đến người nghèo và vực dậy nền kinh tế.
Từ ngày đầu thắng cử, bà Yingluck trải lòng rằng kế hoạch của bà là làm việc chăm chỉ với hy vọng người Thái sẽ cho bà cơ hội để chứng tỏ bản thân. Khoảng thời gian cầm quyền cũng đã phần nào chứng minh cho quyết tâm đó và bà Yingluck rõ ràng đã vượt qua cái bóng lớn của ông Thaksin.
Dù vậy, cũng như người anh trai của mình, bà Yingluck không thoát khỏi "bóng đen" của đảo chính vốn không còn xa lạ ở đất nước Đông Nam Á hiếm khi yên ổn về chính trị này. Cuộc đảo chính vào tháng 5-2015 lật đổ chính quyền của bà Yingluck đánh dấu lần thứ 12 quân đội nước này can thiệp vào chính trường.
Trong khi đó, chương trình trợ cấp giá gạo cho nông dân do bà Yingluck khởi xướng cũng đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của chính bà. Khoản thiệt hại ngân sách lên tới 9 tỉ USD, không những khiến nhiệm kỳ của nữ thủ tướng phải kết thúc sớm mà bà còn đối mặt với án tù 10 năm.
Trước mắt người phụ nữ một thời quyền lực này đối mặt với cuộc sống lưu vong và khó còn đường quay về nước.
Ai "bật đèn xanh"?
Hai tuần lễ qua kể từ ngày bà Yingluck đào thoát, nhiều người dân, nhất là nông dân Thái Lan vẫn ủng hộ và thông cảm với quyết định của nữ thủ tướng vì "đã chiến đấu hết mình cho họ nhiều năm qua". Mặt khác những người chỉ trích vẫn không ngừng đặt câu hỏi tại sao một nhân vật chịu sự kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng an ninh như vậy có thể rời khỏi đất nước mà không ai hay biết?
Các nguồn tin thân cận với giới quyền lực Thái Lan nói rằng một số quan chức chính quyền đã "bật đèn xanh" để nữ cựu lãnh đạo chạy trốn. "Việc bà ấy bị kết tội hay đi tù sẽ gây ra bất ổn xã hội, vì thế để bà ấy ra đi là lựa chọn tốt nhất" - nguồn tin này giải thích.
Cho tới nay, chưa có bất cứ xác nhận chính thức nào về thông tin gây xôn xao này nhưng nó lại khiến giới chức chính quyền đối phó mệt mỏi. Trong khi đó, Phó cảnh sát trưởng Thái Lan Srivara Ransibrahmanakul - người đứng đầu cuộc điều tra, hôm 6-9 cho hay cảnh sát đã cung cấp thông tin liên quan tới những người trợ giúp bà Yingluck chạy trốn cho quân đội và những thông tin này hoàn toàn nhất quán với thông tin liên quan của các lực lượng vũ trang.
Kỳ tới: Hồi kết của dòng họ quyền lực?
Bình luận (0)