Lâu nay, các nhà nghiên cứu và các nhà phân tích chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn đi tìm mối liên hệ giữa khu vực Chesnia và những kẻ Hồi giáo cực đoan có thiện cảm với Al-Qaeda và Taliban. Nhà phân tích về tình hình Trung Đông, ông Walid Phares, nhận định: “Mạng lưới thánh chiến Chesnia hoạt động trong phạm vi rất rộng bên trong Nga và Chesnia”.
Tư tưởng cực đoan
Ông John Bolton, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, đánh giá các phiến quân Chesnia có 2 động cơ hoạt động: khao khát giành độc lập từ Nga và chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Ông nhận xét 2 nghi phạm trong vụ đánh bom ở Boston ngày 15-4, anh em nhà Tsarnaev, được thôi thúc hành động bởi động cơ thứ hai. Ông nhấn mạnh: “Như vậy, họ có thể được một mạng lưới quốc tế ủng hộ”.
Theo hãng tin FoxNews, mối quan hệ giữa các tổ chức Hồi giáo cực đoan lớn và Chesnia được dẫn chứng bằng tài liệu, đặc biệt gắn liền với sự ủng hộ của nhóm người quá khích đối với những kẻ theo chủ nghĩa ly khai ở Chesnia. Taliban (khi còn nắm quyền cai trị Afghanistan từ năm 1995-2001) đã từng là một trong số ít chính quyền công nhận nền độc lập của Chesnia.
Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), dư luận đồn rằng Ibn al-Khattab, thủ lĩnh Chesnia có mối quan hệ với Al-Qaeda, đã từng gặp gỡ Osama Bin Laden trong thời gian Liên Xô chiếm đóng Afghanistan. Ông ta đã bị người Nga tiêu diệt năm 2002.
Các chiến binh Chesnia. Ảnh: RIA NOVOSTI
Thời gian qua vẫn xuất hiện những dấu hiệu cho thấy các phần tử Hồi giáo cực đoan tiếp tục “đổ dầu vào lửa” tình trạng rối loạn ở Chesnia. Theo bản tường trình của Viện Chính sách An ninh nội địa Trường Đại học George Washington, các chiến binh người nước ngoài đã lũ lượt kéo đến những nơi như Chesnia, Bosnia và những địa phương khác có sự hiện diện của cuộc thánh chiến Hồi giáo.
Bản tường trình nhấn mạnh rằng những miền đất như Chesnia cũng như Pakistan và Somalia, được các nhà lý luận thánh chiến Hồi giáo xem là những nơi mà hoạt động chiến đấu không chỉ hợp pháp mà còn mang tính bắt buộc. Tường trình này còn tiết lộ thủ lĩnh phiến quân Chesnia Doku Umarov đã cố gắng liên kết phong trào nổi dậy này với phong trào thánh chiến toàn cầu, đồng thời ủng hộ việc thiết lập một tiểu vương quốc Hồi giáo ở Caucasus.
Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ cho biết một số chiến binh Chesnia chiến đấu bên cạnh các lực lượng Taliban/Al-Qaeda đã bị bắt sống và bị tiêu diệt. Trong khi đó, giáo sư Brian Glyn Williams thuộc Trường Đại học Massachusetts tại Dartmouth đã vẽ nên một bức tranh phức tạp hơn.
Theo ông, yếu tố thánh chiến đã nảy nở lớn hơn và trở nên quan trọng hơn bên trong Chesnia sau 2 cuộc chiến tranh đẫm máu với người Nga. Người Chesnia còn có tư tưởng cực đoan, xem người Nga là những kẻ ngoại đạo. Theo ông, mối quan hệ của Chesnia với Al-Qaeda chỉ hời hợt mặc dù Al-Qaeda “có thiện cảm” với miền đất này.
Phạm tội ở châu Âu
Các quan chức và chuyên gia Nga khẳng định phiến quân ở Chesnia có mối liên hệ chặt chẽ với Al-Qaeda. Họ tiết lộ rằng hàng chục chiến binh từ các quốc gia Ả Rập đã vào Chesnia trong thời gian đang xảy ra chiến sự và một số phiến quân Chesnia đã tham chiến ở Afghanistan.
Từ lâu, theo hãng tin Reuters, Mỹ đã hối thúc chính phủ Nga và các thành phần ly khai ở Chesnia không bắt tay với Al-Qaeda hoặc các tổ chức khủng bố khác để tìm kiếm một sự dàn xếp chính trị. Washington luôn ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga, không bao giờ tán thành nguyện vọng thành lập một nhà nước độc lập của những kẻ ly khai. Nước này đã ủng hộ Moscow trong việc tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố trong khu vực này.
Trong vài năm nay, nhiều người Chesnia đã đối mặt với các cáo buộc phạm tội ở một số quốc gia châu Âu. Gần đây nhất, tháng 6-2013, theo hãng tin Newsru, Ba Lan đã bắt đầu phiên tòa xét xử nghi can khủng bố tên gọi Artur N., 34 tuổi, kẻ đã mưu toan mang rất nhiều chất nổ vào biên giới nước này bằng cách giấu vào bánh ô tô. Trong xe của y còn có 300 viên đạn và 2 khẩu súng bắn tỉa.
Công tố viên cho biết lộ trình chở số vũ khí trên của Artur là từ Áo, qua Czech, Ba Lan, Ukraine và điểm đến cuối cùng là Chesnia. Y bị buộc tội tham gia vào một băng đảng tội phạm có tổ chức có vũ trang và mang tính chất khủng bố. Cùng thời điểm đó, Litva xét xử một người Chesnia nổi tiếng hơn tên Degi, 30 tuổi, con trai út thủ lĩnh ly khai Dzhokhar Dudayev của Chesnia. Degi Dudayev bị cáo buộc tội làm giả hộ chiếu.
Tháng 2 năm nay, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết cảnh sát Pháp và Tây Ban Nha đã bắt giam 3 kẻ theo chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo trong chiến dịch tảo thanh ở Paris. Họ là những người gốc Chesnia và được cho là liên quan đến một nhóm khủng bố đã bị triệt phá tháng 8-2012 ở miền Nam Tây Ban Nha. Nhà chức trách tình nghi nhóm này hoạch định các vụ tấn công khủng bố ở Tây Ban Nha và các địa điểm khác tại châu Âu.
Tháng 8-2012, 2 người Chesnia bị bắt ở thành phố La Linea - Tây Ban Nha đã bị cáo buộc là thành viên của một tổ chức khủng bố và sở hữu chất nổ. Năm 2011, Lors Doukayev, 25 tuổi, người Chesnia sinh sống ở Bỉ, bị kết án 12 năm tù giam ở Đan Mạch vì tội chuẩn bị đánh bom thư 1 năm trước đó. Quả bom phát nổ khi đang được lắp ráp trong một khách sạn ở Copenhagen đã làm anh ta bị thương.
Người ta cho rằng bom thư này dự tính được gửi đến báo Jyllands-Posten, vốn đã đăng những bức biếm họa về nhà tiên tri Muhammad. Lá thư chứa đầy đạn thép và chất triacetone triperoxide (TATP) mà bọn khủng bố đã sử dụng trong vụ đánh bom ở London - Anh năm 2005 làm chết 52 người.
Sáu anh em trai bị tiêu diệt
Theo kênh truyền hình Russia Today, tháng 1-2013, lực lượng đặc biệt Nga đã tiêu diệt Khuseyn và Muslim Gakayev, 2 phần tử nổi dậy ở Chesnia bị truy nã gắt gao nhất. Nhà lãnh đạo Chesnia Ramzan Kadyrov đánh giá anh em nhà Gakayev còn nguy hiểm hơn cả trùm khủng bố Doku Umarov. Hai gã này chịu trách nhiệm về cái chết của hàng chục nhân viên thi hành pháp luật cũng như giáo viên, giám đốc doanh nghiệp, chức sắc tôn giáo và đã nằm trong danh sách truy nã của Nga suốt 11 năm. Ngoài ra, 4 anh em trai khác nhà Gakayev đã bị tiêu diệt trong các vụ đọ súng ở Chesnia trong khoảng thời gian từ giữa thập niên 1990 đến đầu thập niên 2000. |
Kỳ tới: Cộng đồng Chesnia ở Mỹ
Bình luận (0)