Liên tục nổi dậy
Hiện nay, các nhà điều tra vẫn chưa xác định được động cơ của các nghi phạm vụ đánh bom ở Boston. Dù vừa mới bắt thêm 3 người tình nghi liên quan, nhà chức trách Mỹ còn đặt nghi vấn liệu 2 anh em nhà Tsarnaev hành động một mình hay được ai đó giúp sức. Dấu vết lưu lại trên internet cho thấy họ là những tín đồ Hồi giáo mộ đạo, tự hào về di sản của người Chesnia và thể hiện sự ủng hộ nỗ lực đòi độc lập cho khu vực này từ Moscow.
Trước khi đến Mỹ, họ học ở Dagestan, khu vực láng giềng bị lôi kéo vào tình trạng bạo lực ở Chesnia trong thập niên 1990 và kể từ đó đã trở thành tiêu điểm cho phong trào nổi dậy Hồi giáo. Cả 2 khu vực này đều thuộc Bắc Caucasus, dải đất núi non ở miền Nam nước Nga là nơi cư trú của các dân tộc thiểu số Hồi giáo với lịch sử nổi dậy chống lại Moscow hàng thế kỷ trước.
Một em bé ở Chesnia chơi trò chiến tranh Ảnh: WAR IN CHECHNYA
Thời Sa hoàng, các lực lượng Nga đã thường xuyên chiến đấu chống lại các chiến binh từ các bộ tộc Chesnia, Dagestan, Ingushetia và các nhóm sắc tộc khác. Theo hãng tin Reuters, dưới thời Stalin, toàn bộ sắc tộc Chesnia bị trục xuất đến vùng Trung Á xa xôi như một dân tộc thù địch tiềm tàng. Sau này, một số người trở về nhưng cũng có một số ở lại. Riêng họ nhà Tsarnaev sinh sống ở đất nước Kyrgyzstan xa xôi.
Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, người Chesnia cũng đòi độc lập giống như nhân dân 14 nước cộng hòa Xô viết khác. Trong số 1,3 triệu dân ở khu vực này, người Chesnia chiếm đến 95% dân số. Thế nhưng, năm 1994, Moscow đã quyết định đưa quân đi dẹp loạn chứ không để cho người Chesnia tách ra. Hai năm sau, Moscow rút quân về nhưng sau đó, vào năm 1999, thủ tướng Nga khi ấy là Vladimir Putin đã đưa quân trở lại để trấn áp phong trào đòi độc lập và đặt nên một vị thủ lĩnh trung thành. Ngày nay, con trai của ông này là Ramzan Kadyrov đang cai trị Chesnia với bàn tay sắt.
Năm 2009, chế độ của Tổng thống Ramzan Kadyrov được Nga hậu thuẫn và Tổng thống Nga lúc đó là Dmitry Medvedev tuyên bố phong trào nổi dậy đã bị đè bẹp và các hoạt động chống nổi dậy của Nga ở nước cộng hòa này chấm dứt. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền cho rằng ông Kadyrov sử dụng một chiến dịch tra tấn, giết chóc và cầm tù không thương tiếc để đánh bại phong trào nổi dậy mà ngày nay vẫn thỉnh thoảng xuất hiện.
Giết hại thường dân
Hậu quả các cuộc chiến ở Chesnia vào thập niên 1990 là 100.000 thường dân thiệt mạng và 400.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Tuy nhiên, phương Tây có ác cảm với các chiến binh Chesnia vì họ ngày càng áp dụng những chiến thuật dã man và thực hiện các vụ tấn công vào dân thường. Trong suốt thập kỷ qua, phong trào nổi dậy ly khai ở Chesnia ngày càng mang màu sắc thánh chiến Hồi giáo. Các chiến binh kéo đến Afghanistan và các khu vực bộ tộc ở Pakistan để tham gia các nhóm cực đoan đồng thời tổ chức các vụ tấn công khủng bố giống như vụ ở một nhà hát tại Moscow năm 2002 với 700 con tin bị bắt giữ.
Tháng 10-2002, các chiến binh Chesnia đã chiếm giữ nhà hát ở Moscow. Khi binh sĩ Nga bơm khí độc và xông vào, 129 con tin và 41 chiến binh Chesnia đã chết. Thế nhưng, vụ tấn công kinh hoàng nhất xảy ra ở Beslan bên ngoài Chesnia năm 2004. Các tay súng chiếm giữ một trường tiểu học ngay ngày khai giảng năm học, cài chất nổ khắp trường và cầm giữ hàng trăm học sinh làm con tin. Khi quân đội Nga tràn vào tòa nhà, 331 con tin đã chết, một nửa trong số đó là trẻ em.
Ngày nay, khu vực Bắc Causasus vẫn còn phải đối mặt với tình trạng bạo lực từ tổ chức Hồi giáo nổi dậy Caucasus Emirate, với thủ lĩnh là Doku Umarov - cựu chỉ huy du kích độc lập Chesnia. Caucasus Emirate đã nhận trách nhiệm vụ đánh bom tự sát tại sân bay Domodedovo ở Moscow vào tháng 1-2011 làm chết 37 người cũng như vụ đánh bom tự sát nhằm vào xe điện ngầm Moscow năm 2010 làm chết 40 người. Caucasus Knot, website chuyên theo dõi tình trạng bạo động trong khu vực, cho biết bạo lực liên quan đến hoạt động của các phần tử nổi dậy từ đầu năm 2013 đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 60 người.
Được đặt tên của tướng ly khai Nghi phạm Dzhokhar Tsarnaev, sinh năm 1993, đã bị cáo buộc tổng cộng 30 tội danh, như sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, đánh bom nơi công cộng, cố tình hủy hoại tài sản dẫn đến chết người và tấn công có vũ khí, với mức án cao nhất là tử hình. Dự kiến, y sẽ ra tòa vào giữa tháng 7 này. Y được cha mẹ đặt tên theo thủ lĩnh ly khai người Chesnia Dzhokhar Dudayev. Năm 1991, khi Liên Xô tan rã, Dzhokhar Dudayev - chính khách người Chesnia và là cựu tướng không quân của Liên Xô - đã lật đổ chính quyền địa phương, tổ chức bầu cử tổng thống và giành chiến thắng, sau đó đơn phương tuyên bố Chesnia độc lập. Theo báo The Washington Times, ông Dudayev theo đuổi chính sách dân tộc chủ nghĩa, chống Nga. Ba năm sau, quân đội Nga bắt đầu hậu thuẫn các nhóm vũ trang để tìm cách lật đổ ông ta. Ngày 11-12-1994, quân đội Nga tiến vào Chesnia, chiếm lấy thủ đô Grozny sau 4 tháng tiến hành trận địa pháo và gần như san bằng thành phố này. Ông Dudayev chết vì tên lửa của Nga năm 1996 trong khi lực lượng nổi dậy của ông đang chiếm ưu thế. Đến nay, nhiều người dân Chesnia vẫn gọi thủ đô Grozny của mình là "Dzhokhar" để tưởng nhớ ông. |
Bình luận (0)