Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag ngày 17-7 cho biết cho tới nay, nước này đã bắt giữ tổng cộng 6.000 người liên quan tới vụ đảo chính bất thành 2 ngày trước đó.
“Chiến dịch dọn dẹp”
Vị bộ trưởng tuyên bố “chiến dịch dọn dẹp” đang tiếp diễn và số người bị bắt sẽ còn tăng. Giới chức Ankara đã bắt đầu vây bắt hàng chục tướng lĩnh cũng như các thẩm phán và công tố viên cấp cao bị cáo buộc ủng hộ cuộc đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Theo đài BBC, hơn 50 tướng lĩnh cấp cao bị bắt giữ tại tỉnh Denizli, miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 17-7. Trong số này, sĩ quan cấp cao nhất “sa lưới” là tướng Adem Huduti - tư lệnh quân đoàn bộ binh số 2, phụ trách bảo vệ biên giới Thổ Nhĩ kỳ với Syria, Iraq và Iran. Một nhân vật cấp cao đáng chú ý khác cũng bị bắt là tướng Erdal Ozturk, tư lệnh quân đoàn bộ binh số 3.
Sau khi Tổng thống Erdogan khẳng định rằng cuộc đảo chính này như “một cơ hội trời cho để thanh lọc quân đội”, hàng loạt cuộc đột kích vào các căn cứ quân sự diễn ra trên khắp đất nước nhằm tìm kiếm những đối tượng bị nghi trợ giúp cuộc đảo chính. Trong cuộc đột kích rạng sáng 17-7 tại đơn vị đồn trú ở thị trấn Denizli, phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ huy đơn vị - ông Ozhan Ozbakir - cùng 51 binh sĩ bị tóm gọn, theo hãng thông tấn Anatolia.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã bắt giữ gần 3.000 binh sĩ nghi dính líu tới cuộc nổi dậy khiến ít nhất 265 người thiệt mạng này. Theo đài RT, một số binh sĩ bị thẩm vấn sau đó đã khẳng định rằng ban đầu họ không biết mình đang tham gia đảo chính mà chỉ nghĩ rằng đây là một cuộc diễn tập quân sự. “Chỉ khi người dân bắt đầu trèo lên xe tăng, chúng tôi mới hiểu ra mọi chuyện” - báo Hurriyet dẫn lời các binh sĩ đảo chính.
Trong khi đó, hiện chưa rõ con số cụ thể những người bị bắt giữ trong lĩnh vực tư pháp. Tuy nhiên, theo hãng tin tư nhân Dogan, 44 thẩm phán và công tố viên bị bắt giữ trong đêm tại thành phố miền Trung Konya và 92 người khác bị bắt ở thành phố phía Đông Nam Gaziantep. Trước đó, giới chức tư pháp nước này cho biết khoảng 2.745 thẩm phán khắp cả nước bị sa thải sau vụ đảo chính bất thành.
Mỹ - Thổ căng thẳng
Ngoài chiến dịch “thanh trừng” nói trên, ông Erdogan ngày 17-7 lên tiếng kêu gọi Mỹ dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen sau khi cáo buộc nhân vật này là kẻ giật dây vụ đảo chính “hụt”. “Nếu chúng ta là đồng minh chiến lược thì Mỹ nên thực hiện yêu cầu của chúng tôi” - ông Erdogan tuyên bố.
Phản ứng trước lời kêu gọi trên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần trưng ra bằng chứng thì phía Mỹ mới có thể xem xét lời kêu gọi dẫn độ và có quyết định thích hợp. Đồng thời, ông Kerry cũng lên tiếng cảnh báo về những lời bóng gió công khai sự dính líu của Mỹ với vụ đảo chính bất thành và khẳng định những lời lẽ đó hoàn toàn sai trái, có thể hủy hoại quan hệ song phương. Cảnh báo này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Lao động Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu hôm 16-7 bất ngờ ám chỉ Mỹ đứng đằng sau vụ đảo chính.
Căng thẳng giữa Washington và Ankara còn gia tăng bởi các máy bay Mỹ tham gia chiến dịch không kích nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) phải “chôn chân” tại căn cứ không quân Incirlik thuộc tỉnh Adana, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính. Đài Fox News ngày 16-7 dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết Ankara đã cắt điện căn cứ không quân sát biên giới Syria này và đóng cửa không phận với các máy bay quân sự.
Báo Hurriyet đưa tin giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ Thiếu tướng Không quân Bekir Ercan Van và hàng chục sĩ quan khác bị cáo buộc ủng hộ cuộc đảo chính tại căn cứ Incirlik. Theo một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara nghi ngờ Incirlik được dùng làm điểm tiếp nhiên liệu cho các máy bay quân sự bị quân đảo chính chiếm dụng. Hiện Lầu Năm Góc cho biết họ đang nỗ lực để tái khởi động lại chiến dịch không kích từ căn cứ không quân chủ chốt trong chiến dịch chống IS này.
Củng cố quyền lực
Theo sau vụ đảo chính bất thành, đã nổi lên 2 giả thuyết về việc ai đứng sau hành động này. Một là giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở bang Pennsylvania - Mỹ và phong trào của ông ta. Tổng thống Erdogan cho rằng vụ đảo chính có liên quan đến nhân vật từng là đồng minh của mình nhưng ông Gulen đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này. Reuters cũng cho rằng giả thuyết này không đứng vững. Ông Gulen chưa bao giờ có được sự ủng hộ lớn trong quân đội và lâu nay vẫn phản đối quân đội can thiệp vào chính trị. Một giả thuyết khác: Vụ đảo chính là “tác phẩm” của chính ông Erdogan trong nỗ lực gia tăng sự ủng hộ của bản thân và chính phủ.
Hiện chưa có bằng chứng xác thực nào cho những giả thuyết trên nhưng giới phân tích chỉ ra rằng ông Erdogan chính là người hưởng lợi nhiều từ vụ đảo chính bất thành. Trước hết, đây là cơ hội không thể tốt hơn để Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ củng cố quyền lực bằng cách ra tay thanh trừng “kẻ thù” trong quân đội và ngành tư pháp, nơi được cho là có nhiều người ủng hộ ông Gulen. Ngoài ra, vụ đảo chính còn có thể mở đường để ông Erdogan thúc đẩy cải cách hiến pháp mạnh mẽ, cho phép bản thân có thêm nhiều quyền lực hơn hoặc thậm chí là làm tổng thống suốt đời. Theo đài Sputnik, đây là điều ông Erdogan tìm kiếm trong những tháng qua bất chấp xu hướng bị xem là ngày càng độc tài của ông này đang gây chia rẽ đất nước.
Không ít người Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại ông Erdogan sẽ tận dụng vụ đảo chính để vô hiệu hóa bất kỳ thách thức nào đến quyền lực của mình, đe dọa đẩy đất nước vào cảnh thêm bất ổn. Tuy nhiên, nếu nhà lãnh đạo này đi quá xa, tương lai chính trị của bản thân ông, cũng như Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền, có thể bị đe dọa. Vì thế, đài BBC dự báo nỗ lực lật đổ Tổng thống Erdogan đêm 15-7 có thể chưa phải là lần cuối cùng.
Bình luận (0)