Theo Ủy ban Giải thưởng Khoa học Kinh tế Nobel, ông Card đã chứng minh được những kết luận mang tính nguyên nhân - hệ quả thông qua các "thí nghiệm tự nhiên", đồng thời giúp tăng độ tin cậy của nghiên cứu thực nghiệm.
Bài báo do ông Card xuất bản cùng với nhà kinh tế quá cố Alan Krueger năm 1993 cung cấp một cách suy nghĩ khác về việc đề ra mức tiền lương. Trước đó, cách suy nghĩ thông thường là mức lương tối thiểu cao sẽ dẫn đến việc làm giảm.
Tuy nhiên, Card và Krueger đã dũng cảm lật đổ cách suy nghĩ truyền thống bằng nghiên cứu so sánh tỉ lệ việc làm tại 410 nhà hàng thức ăn nhanh - bao gồm Burger King, KFC và Wendy’s - ở 2 bang New Jersey và Pennsylvania của Mỹ.
Họ nhận thấy dù các cửa hàng ở bang New Jersey đã tăng mức lương tối thiểu (cách đó 1 năm) từ 4,25 USD lên 5,05 USD mỗi giờ nhưng không làm thay đổi việc làm so với các cửa hàng ở bang Pennsylvania - vốn giữ nguyên mức lương tối thiểu 5,05 USD mỗi giờ.
Minh họa sơ lược về nghiên cứu “tăng lương tối thiểu không làm giảm đi số lượng công việc trong khu vực” của GS Card và Krueger năm 1992. Ảnh: NOBELPRIZE.ORG
Bài báo của Card và Krueger gây ra tác động đáng kể sau khi được công bố và tiếp tục làm ảnh hưởng tới nghiên cứu tập trung vào điều kiện kinh tế của người lao động lương thấp ngày nay. Trang Quartz cho biết kể từ lúc bài báo này xuất bản, hầu hết nhà kinh tế chính thống đã thay đổi quan điểm của họ về mức lương tối thiểu.
Những phát hiện của Card và Krueger thực sự giúp cất cánh và mở đường cho nghiên cứu về sự khác biệt mức lương giữa người lao động da trắng và da màu cũng như khoảng cách tiền lương giữa nam giới và nữ giới.
Ngoài ra, chúng được dự đoán sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các chính sách trên toàn cầu. Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown và Cố vấn kinh tế Công Đảng Ed Balls đã trích dẫn nghiên cứu này để biện minh cho kế hoạch "Mức lương tối thiểu quốc gia Anh" - được giới thiệu năm 1999. Mức lương tối thiểu ban đầu bị Đảng Bảo thủ phản đối do lo ngại ảnh hưởng tới việc làm.
Trong khi đó, tại Mỹ, nơi ông Card thực hiện nghiên cứu mang tính cách mạng, mức lương tối thiểu liên bang vẫn bị mắc kẹt ở mức 7,25 USD mỗi giờ kể từ năm 2009. Nước này đang đẩy mạnh áp lực đạt được mức lương tối thiểu 15 USD mỗi giờ và có bước tiến khả quan sau khi bang Florida đặt mục tiêu tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD mỗi giờ vào năm 2026.
Cuộc tranh luận về mức lương tối thiểu vẫn diễn ra ở Washington nhưng hiện tại, nhiều nhà kinh tế đã chuyển hướng thảo luận về ý nghĩa của việc tăng lương và tăng bao nhiêu là phù hợp, theo GS Attila Lindner tại Trường ĐH London (Anh), người từng nghiên cứu tác động của việc tăng lương đối với các thành phố của Mỹ.
Bình luận (0)