Ấn Độ đã rộng cửa đón du khách nước ngoài được tiêm phòng đầy đủ từ hôm 15-10, lần đầu tiên kể từ khi nước này áp đặt phong tỏa để phòng dịch Covid-19 từ tháng 3-2020. Hiện vẫn chưa rõ du khách đến Ấn Độ có phải cách ly hay không nhưng họ được yêu cầu tiêm phòng đầy đủ và xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.
Quyết định mở cửa biên giới được đưa ra nhờ số ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày tại Ấn Độ giảm xuống dưới 20.000 ca (từ mức cao nhất 400.000 ca hồi tháng 5) và nhiều người dân đã được tiêm phòng. Theo AP, gần 70% dân số trưởng thành đủ điều kiện tiêm chủng của Ấn Độ đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin.
Cùng ngày 15-10, các nhà chức trách Úc cho biết TP Sydney sẽ cho phép du khách nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ nhập cảnh mà không cần cách ly. Bang New South Wales, gồm TP Sydney, dự kiến là bang đầu tiên của Úc đạt tỉ lệ tiêm phòng 80% dân số trong ngày 16-10, vượt xa những nơi còn lại của nước này.
Các điểm tham quan chào đón khách hôm 14-10 sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng ở TP Sydney, Úc Ảnh: REUTERS
Úc đã đóng cửa biên giới từ tháng 3-2020, chỉ cho phép công dân và thường trú nhân nhập cảnh với điều kiện tự trả chi phí cách ly 2 tuần tại khách sạn. Theo Reuters, New South Wales ghi nhận 399 ca mắc mới hôm 15-10, giảm nhiều so với mức đỉnh 1.599 ca hồi đầu tháng 9.
Thủ đô Canberra hôm 15-10 cũng được dỡ bỏ phong tỏa sau hơn 2 tháng, với các quán cà phê, quán rượu và phòng tập thể dục được mở cửa kèm theo yêu cầu tuân thủ các quy định phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong nỗ lực mở cửa biên giới, Chủ tịch Hội đồng Phục hồi quốc gia Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết chính phủ đang cân nhắc cho phép nhập cảnh mà không cần cách ly hoặc cách ly ngắn hạn đối với du khách quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ đến từ một số quốc gia nhất định.
Cho rằng mở cửa biên giới là điều không thể thiếu trong quá trình phục hồi hậu Covid-19, theo ông Yassin, các du khách có thể được yêu cầu xét nghiệm nhanh âm tính trước khi khởi hành bên cạnh việc có chứng nhận tiêm phòng vắc-xin đầy đủ.
Tại Hàn Quốc, nhằm chuẩn bị chuyển sang chiến dịch "sống chung với Covid-19" nhờ tỉ lệ tiêm phòng ngày càng tăng, từ ngày 18-10 tới, các cuộc tụ tập ở thủ đô Seoul được phép nâng lên tối đa 8 người nếu 4 người trong số này đã tiêm chủng đầy đủ. Chính phủ Hàn Quốc cũng nới lỏng các hạn chế về giờ hoạt động đối với nhà hàng, quán cà phê và rạp chiếu phim.
Nhiều nước nối gót Israel đẩy mạnh tiêm chủng và chuyển sang kế hoạch chung sống với Covid-19 sau khi nước này thành công trong việc kiểm soát làn sóng dịch thứ 4 - bùng lên hồi tháng 6 do biến thể Delta - mà không cần áp dụng phong tỏa.
Theo Reuters, Israel đã tiêm tăng cường cho người từ 12 tuổi trở lên, bắt buộc đeo khẩu trang và sử dụng "thẻ xanh" - chứng nhận tiêm chủng, hồi phục sau khi mắc Covid-19 hoặc xét nghiệm âm tính - tại nhà hàng và các địa điểm khác.
Kể từ lúc dịch đạt đỉnh vào đầu tháng 9, số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Israel đã giảm hơn 80%, các ca nặng giảm gần một nửa trong khi trường học và nền kinh tế tiếp tục mở cửa.
Bên cạnh việc sống chung với Covid-19, nhiều nước đang hướng đến mô hình tự cung tự cấp sau khi đại dịch gây ra cú sốc nguồn cung, khiến hệ thống kinh tế toàn cầu bị rạn nứt.
Ông Evgeny Postnikov, giảng viên cấp cao về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Melbourne (Úc), nhận định với báo The Guardian rằng những vấn đề trong đại dịch, như sản xuất khẩu trang và độc quyền công nghệ vắc-xin, đã cho thấy rõ mức độ các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu và các sản phẩm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo báo cáo của Công ty Tư vấn Deloitte, hơn 80% ngành công nghiệp bị gián đoạn chuỗi cung ứng vì đại dịch và khoảng 75% công ty lên kế hoạch "hồi hương" dây chuyền sản xuất từ nước ngoài.
Bình luận (0)