Có thể so sánh sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc với Kế hoạch Marshall được Mỹ thực hiện sau Thế chiến II nhằm cung cấp khoản tiền tương đương 800 tỉ USD thời giá hiện nay cho các quỹ tái thiết châu Âu. Trong những thập kỷ sau chiến tranh, Mỹ cũng trở thành quốc gia thương mại hàng đầu và là nước cho vay song phương lớn nhất thế giới.
Giờ đến lượt Trung Quốc. Quy mô và phạm vi của BRI vô cùng ấn tượng. Trung Quốc đã chi hơn 300 tỉ USD và lên kế hoạch chi thêm 1.000 tỉ USD trong thập kỷ tới. Theo Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), 92 quốc gia xem Trung Quốc là đối tác xuất nhập khẩu lớn nhất trong năm 2015, trong khi con số này của Mỹ chỉ là 57.
Điều gây kinh ngạc nhất chính là tốc độ đạt được điều này của Trung Quốc. Đây là quốc gia nhận các khoản cho vay lớn nhất của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á trong những năm 1980 và 1990. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các nước đang phát triển vay tiền của Trung Quốc còn nhiều hơn Ngân hàng Thế giới.
Không giống Mỹ và châu Âu, Trung Quốc sử dụng viện trợ, thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm xây dựng hình ảnh thiện chí, mở rộng ảnh hưởng chính trị và bảo đảm nắm được những nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết để phát triển. BRI là ví dụ ấn tượng nhất cho điều này. Đây chính là sáng kiến bảo hộ các dự án cơ sở hạ tầng hiện tại và sau này của Trung Quốc. Trong những thập kỷ tới, Bắc Kinh dự kiến xây dựng một mạng lưới hạ tầng dày đặc khắp châu Á và tiếp đến là khắp thế giới thông qua những sáng kiến tương tự.
Dự án phát triển cảng Gwadar (Pakistan) là một phần quan trọng của BRI Ảnh: REUTERS
Hầu hết tiền cho các dự án đến từ hình thức cho vay, không phải tài trợ và các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc cũng sẽ được khuyến khích đầu tư. Điều này có nghĩa là, ví dụ trong trường hợp Pakistan không thể trả nợ, Trung Quốc có thể sở hữu nhiều mỏ than, đường ống dẫn dầu, nhà máy điện tại nước này, từ đó có tác động không nhỏ lên Islamabad. Cùng lúc này, Bắc Kinh có quyền khai thác cảng Gwadar, tại tỉnh Baluchistan, trong 40 năm.
BRI là sáng kiến chính sách đối ngoại lớn nhất của Trung Quốc cho đến giờ nhưng mục đích của nó không phải muốn mang lại sự ổn định cho các quốc gia vay tiền. Vậy tại sao Trung Quốc lại chi nhiều tiền vào các quốc gia lân cận đến thế?
Trước hết, Trung Quốc hiện quá phụ thuộc vào vùng biển phía Đông và eo biển Malacca gần Singapore để xuất nhập khẩu hàng hóa, chẳng hạn hơn 80% dầu khí đại lục phải đi qua eo biển này. Do đó, việc xây dựng các tuyến đường thương mại đi qua Pakistan và khu vực Trung Á là chuyện dễ hiểu. Bên cạnh đó, BRI còn giúp Trung Quốc đầu tư các khoản dự trữ khổng lồ của họ và giúp nhiều doanh nghiệp nhà nước đang nhàn rỗi có việc làm.
BRI còn có một tác động phụ tích cực đối với Bắc Kinh: Một số quan chức Trung Quốc nói rõ rằng sáng kiến này nhằm cạnh tranh với Mỹ. Sáng kiến này ít nhất cũng khiến những quốc gia nhỏ hơn cảm thấy mang ơn Trung Quốc về kinh tế. Vậy BRI có ý nghĩa gì đối với "trật tự thế giới tự do" mà Mỹ nỗ lực tạo ra và duy trì trong suốt 7 thập kỷ qua? Tác động của nó nhìn chung không phải quá tiêu cực.
Nếu mục tiêu của trật tự nói trên là bảo đảm hòa bình và thịnh vượng, sự hào phóng của Trung Quốc có thể đóng góp vào mục tiêu này theo những cách nhất định. Những quốc gia giao thương nhiều hơn thường giao tranh ít hơn, không chỉ với đối tác thương mại mà với thế giới nói chung.
Vì thế, Trung Quốc đang giúp duy trì hòa bình quốc tế theo cách riêng của mình. Dù vây, Mỹ sẽ khó áp đặt ý muốn của mình hơn lên những nước đang chịu ơn Bắc Kinh trong một số vấn đề, như chống khủng bố hoặc trừng phạt những nước bất hòa với phương Tây.
Về khía cạnh thịnh vượng, tác động của Trung Quốc lên kinh tế các nước vay tiền không phải lúc nào cũng tích cực. Các học giả phân tích quá trình đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi giai đoạn 1991-2010 nhận thấy sự hỗ trợ của Bắc Kinh dường như không giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu lục này. Theo họ, các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ từ đại lục đã chiếm chỗ hàng hóa địa phương, từ đó ảnh hưởng đến công ăn việc làm tại doanh nghiệp nhỏ.
Trung Quốc thường yêu cầu các quốc gia nhận viện trợ sử dụng các công ty đại lục để xây đường, cảng và mãi đến gần đây mới chịu đào tạo nhân công địa phương. Như ở Pakistan, 7.000 công dân Trung Quốc làm việc trên hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan, được bảo vệ bởi gần 15.000 nhân viên an ninh Pakistan. Tuy nhiên, trong bối cảnh tiền lương dành cho nhân công Trung Quốc tăng, họ nhận thấy sẽ hợp lý hơn nếu sử dụng lao động địa phương. Cách đây vài tháng, một công ty Trung Quốc bắt đầu đào tạo hàng trăm kỹ sư Pakistan để làm việc cho một dự án nhà máy điện gần TP Karachi. Những dự án khác của Trung Quốc cũng đang tuyển dụng nhiều người địa phương hơn.
Các khoản cho vay của Trung Quốc trước đây có lãi suất khoảng 2,5% nhưng hiện đã tăng lên gần 5% hoặc hơn khiến gánh nặng trả nợ thêm lớn. Những quốc gia vay tiền Trung Quốc có thể đang thế chấp tương lai của họ.
(*) Tựa do tòa soạn đặt.
Bình luận (0)