xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Thể chế hóa” quan hệ ASEAN - Mỹ

Hoàng Phương

Giới phân tích nhận định Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn cùng ASEAN lập “mặt trận chung” để đối đầu Trung Quốc

Sáng 15-2 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến bang California để tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ.

Bàn chuyện thương mại, an ninh

Tại hội nghị diễn ra ở khu nghỉ dưỡng Sunnylands thuộc TP Rancho Mirage trong 2 ngày 15 và 16-2 (giờ địa phương) này, Tổng thống Barack Obama của nước chủ nhà dự kiến kêu gọi các nhà lãnh đạo ASEAN thúc đẩy thương mại và ủng hộ những mục tiêu chung đối với vấn đề biển Đông.

Ngoài ra, theo Reuters, ông Obama còn bàn về biện pháp kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên và kế hoạch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Theo lịch trình, ngày đầu tiên của hội nghị tập trung vào những vấn đề kinh tế và thương mại, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 4 thành viên ASEAN là Việt Nam, Singapore, Brunei và Malaysia.

Báo Bangkok Post dẫn lời ông Prapat Thepchatree, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Trường  ĐH Thammasat (Thái Lan), cho rằng tổng thống Obama muốn tận dụng cơ hội này để thuyết phục các nước ASEAN còn lại tham gia TPP.

An ninh là chủ đề chính của ngày họp thứ hai, với tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc là vấn đề nổi cộm. Giới phân tích nhận định ông Obama muốn cùng ASEAN lập “mặt trận chung” để đối đầu một Bắc Kinh đang trỗi dậy.

 


Quang cảnh lễ đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại sân bay Palm Springs, bang California - Mỹ

Ảnh: TTXVN

Quang cảnh lễ đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại sân bay Palm Springs, bang California - Mỹ

Ảnh: TTXVN

 

Khu nghỉ dưỡng Sunnylands từng là nơi ông Obama đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2013. Việc lựa chọn địa điểm này để tổ chức Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN cho thấy cam kết của Washington trong việc vừa trở thành đối trọng với Bắc Kinh vừa là đối  tác thương mại hàng đầu của các nước Đông Nam Á.

Sự kiện này cũng được xem là lời hứa của ông Obama rằng Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với ASEAN bất chấp Nhà Trắng sắp đổi chủ.

Ông Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định việc tổng thống Obama lần đầu tiên đón tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN tại Mỹ khi còn tại vị là bước đột phá trong mong muốn thể chế hóa mối quan hệ với khối này.

Theo ông Cronin, ASEAN đóng vai trò quan trọng trong chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương mà ông Obama theo đuổi kể từ khi lên nắm quyền và hội nghị trên sẽ giúp củng cố di sản nổi bật này.

Gây sức ép lên Trung Quốc

Dù vậy, không dễ để Mỹ thuyết phục mọi thành viên ASEAN nhất trí về một tuyên bố chung cứng rắn liên quan đến biển Đông. Một số nhà phân tích tiết lộ Trung Quốc đã gây sức ép để một vài nước nói không với động thái này.

“Mỹ sẽ gặp khó trong việc thuyết phục 10 nước ASEAN thông qua nội dung nào về biển Đông có sự khác biệt so với những tuyên bố khối này đưa ra trong quá khứ” - chuyên gia Malcolm Cook thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nhận định.

Một nhà ngoại giao Đông Nam Á giấu tên cho AP biết đại diện các nước đã thảo luận về nội dung bản dự thảo tuyên bố chung có thể được đưa ra vào cuối hội nghị nhưng vẫn còn một số quan điểm khác biệt về ngôn từ.

Một số nước muốn vấn đề biển Đông được đề cập chi tiết hơn, như Philippines yêu cầu nhắc đến vụ họ kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan như là một cách giải quyết tranh chấp lãnh hải. Trái lại, Campuchia và Lào đòi tuyên bố chung xóa nội dung về vụ kiện.

Dù vậy, ảnh hưởng từ ông Obama, cộng với thông điệp Mỹ sẽ tiếp tục gắn kết chặt chẽ với ASEAN, có thể giúp chống lại sức ép nêu trên của Trung Quốc. “Nếu các nhà lãnh đạo ASEAN nhận thấy Mỹ đang đầu tư vào ASEAN, họ sẽ có thêm sự khích lệ để nhất trí về những tuyên bố (mạnh mẽ hơn) này. Không ai ở Đông Nam Á muốn Trung Quốc bắt nạt những nước láng giềng nhỏ hơn” - ông Ernest Bower, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nói với Reuters.

Khi ấy, một sự ủng hộ chung của ASEAN - Mỹ về phán quyết của PCA - bất kể nghiêng về phía nào sau đó - cũng sẽ gây sức ép lên Trung Quốc, nước cho đến giờ vẫn phủ nhận thẩm quyền của tòa này.

 

Úc mang câu hỏi khó đến Trung Quốc

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop hôm 14-2 cho biết sẽ yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ ràng về chương trình xây đảo nhân tạo trái phép ở biển Đông do lo ngại Bắc Kinh quân sự hóa các đảo này. Tuyên bố này được đưa ra trước khi bà Bishop lần lượt thăm Nhật ngày 15-2 và Trung Quốc một ngày sau đó.

Tại Bắc Kinh, nữ ngoại trưởng Úc dự định yêu cầu người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị giải thích lý do xây đảo nhân tạo, cụ thể là các công trình như hải đăng và cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích quân sự gồm đường băng, thiết bị neo đậu cho tàu ở cảng… trên các đảo phi pháp này.

Trong một diễn biến khác, Đô đốc Harry Harris Jr, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), vừa cho biết Washington không có ý định xây căn cứ ở Philippines trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA).

Theo ông Harris, EDCA cho phép Mỹ sử dụng một số căn cứ ở Philippines và cải thiện hạ tầng ở đó, chứ không đề cập vấn đề xây căn cứ mới. Tuy nhiên, vị đô đốc này không cho biết liệu Mỹ có tăng cường tần suất tuần tra ở biển Đông sau khi được phép tiến cận các căn cứ quân sự ở Philippines hay không.

Phạm Nghĩa

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo