Số liệu thống kê mới nhất cho thấy một chương trình được tiến hành từ năm 2012 nhằm giúp 120 triệu phụ nữ tiếp cận các biện pháp tránh thai hiện đại vào năm 2020 có nguy cơ không đạt được mục tiêu đề ra. Cho đến giờ, chỉ mới có 30 triệu phụ nữ tiếp cận được chúng, thấp hơn gần 20 triệu người so với kế hoạch đề ra cho thời điểm này.
Chưa hết, nỗi lo còn đến từ những chính sách dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo đó đề xuất cắt giảm ngân sách dành cho các chương trình kế hoạch hóa gia đình. Washington hiện là nhà tài trợ lớn nhất cho hoạt động này, phân bổ khoảng 607,5 triệu USD trong năm nay.
Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) đang thiếu khoảng 700 triệu USD để mua thuốc tránh thai sử dụng trong 3 năm tới. Theo nghiên cứu Viện Guttmacher (Mỹ), các biện pháp tránh thai hiện đại có thể giảm 75% trường hợp phá thai, mang thai và sinh con ngoài ý muốn mỗi năm tại các nước nghèo.
Nhân viên tại một cơ sở kế hoạch hóa gia đình ở Nigeria Ảnh: The Guardian
Cảnh báo trên được đưa ra trước thềm một hội nghị ở thủ đô London - Anh ngày 11-7, với nội dung chính là tìm kiếm biện pháp đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực kế hoạch hóa gia đình tại 69 quốc gia nghèo nhất thế giới.
Theo tờ The Guardian, hội nghị diễn ra đúng vào ngày Dân số Thế giới này thu hút quan chức cấp cao đến từ hơn 50 nước. Dân số toàn cầu được dự báo lần lượt tăng lên 8 tỉ năm 2023 và 10 tỉ vào năm 2050. Đáng chú ý, theo Liên Hiệp Quốc, dân số 26 quốc gia châu Phi được dự báo tăng ít nhất gấp đôi vào năm 2050.
Một số chuyên gia lo ngại sự gia tăng mạnh mẽ này không chỉ làm nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng di cư hiện nay mà còn có thể bị các nhóm khủng bố lợi dụng để chiêu mộ thành viên bằng cách nhằm vào những gia đình nghèo, đông nhân khẩu.
Bình luận (0)