Khoảng 150 nhà lãnh đạo thế giới sẽ tập trung tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở TP New York - Mỹ từ ngày 20 đến 26-9 để lần lượt phát biểu và thảo luận các biện pháp đối phó một loạt thách thức mà thế giới đang đối mặt, như khủng hoảng nhân đạo, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, bất ổn kinh tế…
Trong số này, cuộc xung đột Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu dự kiến đứng đầu chương trình nghị sự của Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 77 nêu trên.
Dù vậy, theo giới phân tích, sự kiện này khó có khả năng đạt tiến triển hướng đến chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine. Ngay cả Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đánh giá cơ hội đạt được thỏa thuận hòa bình hiện rất thấp.
Theo LHQ, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc, phân bón lớn - càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực vốn chịu tác động của đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.
Bên lề phiên thảo luận chung cấp cao, Mỹ dự kiến đồng tổ chức một hội nghị cấp cao về an ninh lương thực với Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi vào ngày 20-9.
Chương trình Lương thực thế giới của LHQ gần đây cho biết khoảng 345 triệu người đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực tại 82 nước mà tổ chức này có hoạt động, tăng hơn gấp đôi so với con số trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020.
Một cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tuần rồiẢnh: Reuters
Ngoài ra, theo Reuters, phiên thảo luận trên nhiều khả năng chứng kiến sự chia rẽ địa chính trị sâu sắc, với Mỹ và các đồng minh phương Tây cạnh tranh ảnh hưởng ngoại giao với Nga.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều có các chuyến thăm châu Phi trong vài tháng qua để tìm kiếm ảnh hưởng. Giới chức Pháp cho biết ông Macron dự định sử dụng chuyến đi 2 ngày đến New York để vận động các nước ủng hộ phương Tây trong cuộc đối đầu hiện nay với Nga.
Trong khi đó, đại diện Moscow tham dự phiên thảo luận chung là Bộ trưởng Lavrov. Quan chức này đã nhận được yêu cầu tiến hành khoảng 20 cuộc gặp với lãnh đạo các nước tại New York, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga. Dù vậy, bà Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Mỹ tại LHQ, cho biết giới chức Mỹ vẫn chưa có kế hoạch gặp các nhà ngoại giao Nga trong tuần này.
Diễn biến trên khiến ông Guterres không khỏi quan ngại. Nhà lãnh đạo LHQ này nhận định rạn nứt địa chính trị đang nghiêm trọng và làm tê liệt sự ứng phó toàn cầu đối với một loạt thách thức lớn, như chiến tranh, khí hậu, nghèo đói và bất bình đẳng. Mặt khác, đã xuất hiện nỗi lo sự chú ý quá mức của phương Tây dành cho vấn đề Ukraine sẽ khiến các cuộc khủng hoảng khác bị lu mờ, như biến đổi khí hậu, số phận phụ nữ Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền…
Bà Thomas-Greenfield tìm cách xoa dịu nỗi lo này khi nhấn mạnh Ukraine không phải là vấn đề duy nhất được quan tâm xử lý trong khuôn khổ LHQ. Chẳng hạn trong ngày 19-9, LHQ tổ chức một hội nghị cấp cao, tập trung thảo luận cuộc khủng hoảng giáo dục trên thế giới hiện nay. Theo thống kê, hiện có 222 triệu trẻ em trên thế giới bị gián đoạn học hành do xung đột hoặc các thảm họa liên quan đến khí hậu. Trong số này, gần 80 triệu em chưa bao giờ được đến trường.
Ngoại lệ cho Tổng thống Ukraine
Sau 2 năm diễn ra theo hình thức trực tuyến hoặc trực tuyến kết hợp trực tiếp, phiên thảo luận chung cấp cao Đại Hội đồng LHQ năm nay diễn ra theo hình thức trực tiếp trong bối cảnh thế giới bị bủa vây bởi nhiều cuộc khủng hoảng, từ xung đột Nga - Ukraine, lạm phát cao, chủ nghĩa khủng bố và cực đoan cho đến ô nhiễm môi trường, lũ lụt, hạn hán, đại dịch COVID-19…
Một ngoại lệ đáng chú ý là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Đại Hội đồng LHQ đã bỏ phiếu cho phép nhà lãnh đạo này gửi bài phát biểu được ghi hình trước tới phiên họp, dự kiến được phát ngày 21-9.
Mỗi bài phát biểu được khuyến nghị dài 15 phút nhưng thực tế thường kéo dài hơn. Theo truyền thống, đại diện của Brazil sẽ phát biểu đầu tiên, theo sau là lãnh đạo nước chủ nhà Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden do đến Anh tham dự tang lễ Nữ hoàng Elizabeth II nên sẽ phát biểu trong ngày 21-9. Các bài phát biểu được mong đợi khác là từ tân Thủ tướng Anh Liz Truss, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi, tân Tổng thống Kenya William Ruto…
Theo AP, đây là dịp để các nước trình bày chương trình nghị sự, nêu bật quan điểm hoặc kêu gọi hành động, cũng như tiến hành các cuộc họp song phương bên lề để giải quyết vấn đề riêng.
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)