Hội nghị các bộ trưởng tài chính tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra dưới hình thức trực tuyến trong ngày 22-10 với hy vọng đề ra hướng phục hồi sau đại dịch Covid-19 và giải quyết các vấn đề cấp bách khác như biến đổi khí hậu.
Các bộ trưởng tài chính APEC thừa nhận hoạt động kinh tế khu vực đang hồi phục nhưng chặng đường phía trước còn dài do sự xuất hiện của các biến thể mới và tốc độ phục hồi giữa các quốc gia khác nhau.
Tại cuộc họp, các lãnh đạo tài chính đến từ 21 nền kinh tế, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, tìm giải pháp cho những thách thức như gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát gia tăng. Vai trò của chính sách tài khóa và quản lý ngân sách cũng được thảo luận trong ngày 22-10.
Biến đổi khí hậu, đầu tư vào các dự án môi trường bền vững và loại bỏ dần trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch cũng nằm trong chương trình nghị sự trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), dự kiến tổ chức tại Glasgow - Anh vào cuối tháng này.
Các phương tiện bị mắc kẹt tại khu vực bị sạt lở do mưa lớn ở vùng Myagdi - Nepal hôm 20-10. Ảnh: REUTERS
Cuộc họp diễn ra sau khi nghiên cứu trên tạp chí Lancet ngày 21-10 cảnh báo hoạt động khôi phục kinh tế sau đại dịch dựa vào nhiên liệu hóa thạch sẽ gây ra những hậu quả lâu dài đối với sức khỏe con người; làm trầm trọng nguy cơ mất an ninh lương thực, nước sạch, tình trạng nắng nóng và các bệnh truyền nhiễm.
Theo phân tích hằng năm có quy mô thuộc loại lớn nhất của Lancet này, có đến 19% diện tích đất trên trái đất bị ảnh hưởng bởi hạn hán nghiêm trọng trong năm 2020 và hơn 2 tỉ người bị đe dọa về an ninh lương thực do biến đổi khí hậu.
Chưa hết, người dân tại 134 quốc gia đang đối mặt với nạn cháy rừng ở mức độ cao chưa từng thấy, trong khi thu nhập của hàng triệu nông dân và công nhân xây dựng sụt giảm do số ngày nắng nóng gay gắt gia tăng.
TS Maria Romanello, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Năm nay, chúng ta chứng kiến người dân hứng chịu các đợt nắng nóng dữ dội, lũ lụt chết người và cháy rừng. Đã đến lúc thế giới nhận ra rằng không ai an toàn trước biến đổi khí hậu".
Cảnh báo trên đang hiện hữu trước mắt: Giới chức Nepal và Ấn Độ cho biết gần 200 người đã thiệt mạng do mưa lũ và lở đất những ngày qua, trong khi các trận mưa lớn hơn được dự báo còn kéo dài.
Các chuyên gia cho rằng Nepal và Ấn Độ là nạn nhân của thời tiết cực đoan ngày càng khó đoán, vốn đã ảnh hưởng đến Nam Á trong những năm gần đây. Nguyên nhân đến từ biến đổi khí hậu và các hoạt động phá rừng, xây đập và phát triển quá mức.
Nepal ghi nhận 88 nạn nhân tử vong do mưa lũ và lở đất trong ngày 21-10. Cùng ngày, giới chức bang Uttarakhand - Ấn Độ xác nhận 55 người thiệt mạng, gồm 5 thành viên trong một gia đình bị chôn vùi do lở đất. Số người chết dự kiến tiếp tục tăng lên khi nhiều người vẫn còn mất tích.
Căng thẳng năng lượng phủ bóng
Cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có là chủ đề thảo luận đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), diễn ra trong 2 ngày 21 và 22-10 tại thủ đô Brussels - Bỉ.
Tình trạng giá nhiên liệu và khí đốt tăng phi mã đang khoét sâu chia rẽ giữa các nước ở phía Nam và phía Đông châu Âu với các thành viên phía Bắc, vốn là những quốc gia có tham vọng mạnh mẽ hơn về khí hậu.
Không khí hội nghị căng thẳng khi các nhà lãnh đạo bàn về việc làm thế nào bảo vệ nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất nhưng vẫn bảo đảm kế hoạch chuyển đổi xanh, theo hãng tin Bloomberg.
Cần lưu ý rằng khả năng hành động của EU đối với cuộc khủng hoảng hiện tại là cực kỳ hạn chế, bởi phần lớn các nước thành viên đã cắt giảm thuế hoặc phê duyệt trợ cấp để hỗ trợ các hộ gia đình và công ty, với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính thêm ít nhất 55% đến năm 2030 (so với mức của năm 1990) để hướng đến trạng thái trung hòa carbon đến năm 2050.
Theo mạng lưới truyền thông Euractiv, các nhà lãnh đạo EU không đưa ra bất cứ "kết luận" nào ở giai đoạn hiện tại. Họ chỉ hối thúc Ủy ban châu Âu (EC) và các nước thành viên tận dụng tối đa "hộp công cụ" được EC đề xuất vào tuần rồi để cứu trợ ngắn hạn cho người tiêu dùng. Quá trình đàm phán chi tiết được giao cho các bộ trưởng năng lượng trong phiên họp đặc biệt của Hội đồng Năng lượng tại Luxembourg vào ngày 26-10.
Không giống những giải pháp "chữa cháy" vốn được thống nhất khá dễ dàng, những giải pháp dài hạn được dự báo gây tranh cãi gay gắt. Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU, Ba Lan và Hungary khẳng định chính sách chống biến đổi khí hậu của châu Âu là nguyên nhân khiến giá năng lượng tăng chóng mặt, đồng thời kêu gọi EC đình chỉ Hệ thống Mua bán khí thải (ETS - ra đời với mục tiêu kiểm soát ô nhiễm môi trường).
"Năng lượng là vấn đề vô cùng phức tạp vì các nước thành viên khác nhau sử dụng nguồn cung năng lượng khác nhau. Vì thế, cách tiếp cận không thể giống nhau mà phải phụ thuộc vào mạng lưới và mối liên kết hiện hành" - một nguồn tin mật từ EU nhận định.
Cao Lực
Bình luận (0)