Hơn 50 nhà lãnh đạo thế giới cùng với các chủ ngân hàng, ông trùm năng lượng và nhiều nhân vật nổi tiếng đã tham dự hội nghị thượng đỉnh "Một hành tinh" về biến đổi khí hậu ở Paris - Pháp hôm 12-12.
Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron hy vọng hội nghị sẽ tạo ra một động lực mới cho cuộc chiến đối phó tình trạng toàn cầu ấm dần lên, bất chấp Tổng thống Mỹ Donald Trump nói không với Hiệp định Khí hậu Paris được ký kết cách đây 2 năm.
Với cảnh báo "chúng ta đang thua", Tổng thống Macron nhấn mạnh đã đến lúc hành động và chuyển động nhanh hơn nếu muốn đảo ngược tình thế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị là tăng cường đầu tư vào năng lượng xanh và từ bỏ các loại nguyên liệu hóa thạch. Để nêu bật quyết tâm của mình, các đại biểu đã thông báo khoản đầu tư hơn 1 tỉ USD để giúp các nước nghèo và các ngành công nghiệp dễ dàng từ bỏ dầu mỏ và than đá hơn.
Ngoài ra, hơn 225 tổ chức đầu tư, kiểm soát khối tài sản hơn 26.000 tỉ USD, cho biết sẽ gây sức ép nhiều hơn để ép các đối tác giảm bớt khí thải.
Hội nghị cũng ghi nhận các nhà đầu tư đang ngày càng quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu. Hai tỉ phú Bill Gates, Richard Branson và các ông trùm năng lượng cũng như các giám đốc quỹ đầu tư đã thông báo hàng chục dự án quốc tế nhằm đầu tư vào các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim đã giành được những tràng vỗ tay tán thưởng khi thông báo cơ quan này sẽ ngưng tài trợ cho các dự án dầu khí trong vòng 2 năm tới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa), cựu Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger (trái) và Thủ tướng Bỉ Charles Michel chụp ảnh sau khi dự hội nghị hôm 12-12 Ảnh: REUTERS
Tâm điểm của hội nghị là những quan điểm bác bỏ nhận định của Tổng thống Trump, theo Hiệp ước Khí hậu Paris về giảm khí thải toàn cầu sẽ làm hại đến việc làm ăn của Mỹ.
Các nhân vật nổi tiếng như cựu Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger, tỉ phú Michael Bloomberg và cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đều khẳng định thế giới sẽ chuyển sang nhiên liệu sạch và giảm khí thải bất kể chính quyền ông Trump có tham gia xu hướng này hay không.
Riêng ông Bloomberg, cựu Thị trưởng New York, thông báo hơn 200 công ty đã hứa công bố dữ liệu tài chính liên quan đến khí hậu. Ông cho rằng nước Mỹ không cần đến chính phủ liên bang vẫn có thể đạt tiến bộ trong việc ứng phó biến đổi khí hậu.
Các dự án được thông báo tại hội nghị hôm 12-12 gồm chương trình phát triển xe điện cho 8 bang ở Mỹ, một quỹ đầu tư cho khu vực Caribbean vừa bị bão tàn phá và tiền từ quỹ của tỉ phú Gates để giúp nông dân thích nghi với biến đổi khí hậu và phát triển công nghệ thải ít carbon. Các dự án này còn nhằm đẩy nhanh việc chấm dứt sử dụng động cơ đốt cháy để giảm lượng khí thải góp phần khiến toàn cầu ấm dần lên.
Những nỗ lực trên càng thêm cần thiết sau khi Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết Bắc Cực đang ấm lên nhanh hơn bao giờ hết trong vòng 1.500 năm qua. Theo báo cáo của NOAA, vùng cực này không cho thấy dấu hiệu nào sẽ trở lại tình trạng đóng băng như những thập kỷ gần đây.
Theo ông Jeremy Mathis, một chuyên gia của NOAA, sự ấm lên của Bắc Cực và những sự kiện thời tiết cực đoan ở Mỹ gần đây (cháy rừng khủng khiếp ở bang California, đợt rét đột ngột ở miền Nam và miền Đông...) có một số liên hệ nhất định.
Ông David Aplin, thuộc Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên, nhận định nội dung báo cáo của NOAA là bằng chứng mới nhất về sự thay đổi mạnh mẽ ở Bắc Cực, cũng như khẳng định giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu là điều cực kỳ quan trọng.
"Chúng ta cần phải giảm bớt khí thải, chấm dứt lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và theo đuổi một tương lai năng lượng sạch - vì điều tốt đẹp cho hành tinh chúng ta, con người và động vật hoang dã" - ông kêu gọi.
Bình luận (0)