Cảnh sát và người biểu tình đối đầu nhau ở Rome (Ý) hôm 15-10. Ảnh: Reuters
Các cuộc biểu tình chống lại những biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ và điều mà họ gọi là sự tham lam của giới ngân hàng, tài chính và các chính khách diễn ra hôm 15-10 tại thành phố Rome (Ý). Người biểu tình đốt ô tô, đập phá ngân hàng và đốt một tòa nhà quân sự.
Xung đột đã nổ ra giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động sử dụng hơi cay và vòi rồng. Hãng tin ANSA (Ý) cho biết khoảng 70 người bị thương trong các vụ xung đột, trong đó có 3 người bị thương nặng.
Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đã lên án “mức độ bạo lực không thể tin được” tại cuộc biểu tình. Ông tuyên bố rằng cần phải xác định và trừng phạt những ai gây ra các vụ bạo lực tồi tệ này.
Theo hãng tin AFP, những vụ bạo lực ở Rome được xem là tồi tệ nhất trong một ngày thế giới chứng kiến làn sóng biểu tình nổ ra tại khoảng 950 thành phố ở 82 nước và vùng lãnh thổ khắp thế giới.
Lấy cảm hứng từ phong trào “Chiếm phố Wall” ở Mỹ, những người biểu tình bày tỏ sự bất bình của mình đối với tình trạng bất bình đẳng kinh tế ngày càng nghiêm trọng và nhiều vấn đề quan tâm khác. Hãng tin Reuters cho biết phần lớn cuộc biểu tình nói trên diễn ra ôn hòa.
Tại Mỹ, ít nhất 74 người bị bắt khi cảnh sát xung đột với người biểu tình tại quảng trường Times ở New York hôm 15-10. Những cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại nhiều thành phố khác của Mỹ, từ Washington, Boston cho đến Chicago, Los Angeles và Miami.
Người biểu tình Mỹ giận dữ trước việc các ngân hàng Mỹ đang tận hưởng lợi nhuận bùng nổ sau khi được giải cứu vào năm 2008 trong lúc nhiều người dân phải vật lộn với cuộc sống khó khăn và ít nhận được sự hỗ trợ của chính phủ.
Tại Canada, hàng chục ngàn người hô to những khẩu hiệu chống lại giới chủ doanh nghiệp trong các cuộc biểu tình diễn ra khắp nước. Họ đưa ra một loạt yêu sách khác nhau, như tạo công ăn việc làm, sự phân chia của cải công bằng hơn, việc thành lập một nhà nước Palestine…
Ngoài Rome, châu Âu cũng chứng kiến các cuộc biểu tình lớn tại một loạt thành phố, như Amsterdam (Hà Lan), Athens (Hy Lạp), Brussels (Bỉ), Paris (Pháp), Zurich (Thụy Sĩ), London (Anh).
Riêng cuộc biểu tình tại thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha) thu hút khoảng 50.000 người tham dự. Mathieu Rego, một thanh niên 25 tuổi tham gia cuộc biểu tình, cho biết: “Chúng tôi đều là nạn nhân của nạn đầu cơ tài chính và chương trình khắc khổ này sẽ hủy hoại chúng tôi. Chúng tôi phải thay đổi hệ thống thối rữa này”.
Làn sóng “Chiếm phố Wall” cũng lan đến châu Á dù quy mô các cuộc biểu tình ở đó khiêm tốn hơn nhiều so với các châu lục khác. Khoảng 500 người tập trung tại quận tài chính của Hồng Kông để trút giận.
Tại Tokyo (Nhật Bản), khoảng 100 người bày tỏ sự phẫn nộ về sự cố hạt nhân tại tỉnh Fukushima. Tại Sydney (Úc), khoảng 600 người cắm trại bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương để thu hút sự chú ý vào những nỗi lo tài chính của họ.
Bình luận (0)