Những người tham gia biểu tình Occupy Wall Street ở New York hôm 5-10. Ảnh: AP
Cùng tham gia tuần hành ở New York có các thành viên của nhiều nghiệp đoàn lớn. Các thủ lĩnh nghiệp đoàn cho biết họ sẽ tiếp tục ủng hộ các cuộc phản đối, cả về nhân lực cũng như cung cấp thực phẩm và các dịch vụ. Chủ tịch Liên đoàn Giáo chức Thống nhất, ông Michael Mulgrew, nhấn mạnh: “Đất nước đã bị lật úp rồi”.
Nhà làm phim Michael Moore cũng có mặt trong đám đông ở New York. Ông nói: “Đi đến đâu trên khắp nước này cũng đều gặp phong trào Occupy Wall Street. Những người Mỹ không được chăm sóc sức khỏe, bị mất việc làm, bị phát mãi nhà cửa đều có liên quan đến phong trào này. Họ nhắc nhở mọi người về thực tại của đất nước này”.
Người phát ngôn của cảnh sát New York Paul Browne cho biết hàng chục người bị bắt khi cố vượt qua hàng rào chướng ngại của cảnh sát, trong đó có một người bị cáo buộc hành hung cảnh sát.
Điều dưỡng Sidney Gillette, Bệnh viện Nhi ở Oakland, bang California, nhận xét: “Đây là sự khởi đầu của một phong trào”. Chị Lisa Clapier, 46 tuổi, tham gia biểu tình ở Los Angeles, nói: “Tôi muốn con cái tôi được sống trong một thế giới tốt đẹp hơn”. Ở San Francisco, một đám đông mấy trăm người tuần hành vòng quanh khu vực tài chính và hô to: “Họ nhận tiền giải cứu, còn chúng ta phải bán hết sạch”.
Theo hãng tin Itar-Tass, chính quyền Mỹ đã có thái độ thông hiểu đối với phong trào Occupy Wall Street trong khi những người tham gia hôm 6-10 định “chiếm” cả Quảng trường Tự do ở Washington, cách Nhà Trắng không xa.
Người phát ngôn của Nhà Trắng, ông James Carney, phát biểu: “Người ta bị đẩy đến chỗ cùng cực. Chúng tôi hiểu điều đó. Vì thế, cần tập trung cải thiện điều kiện kinh tế và tạo việc làm”.
Theo hãng tin AP, hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Louise Slaughter ở New York tán thành phong trào này. Bà tuyên bố: “Khoảng cách giàu - nghèo đang tiếp tục mở rộng sau cuộc suy thoái năm 2008. Tôi tự hào chứng kiến phong trào Occupy Wall Street chống lại thói hám danh lợi đang lan tràn”.
Bình luận (0)