Cuối năm đó, ước tính 214.000 người đã thiệt mạng vì 2 quả bom nguyên tử tại 2 thành phố Nhật Bản này.
Trong cuộc khảo sát do hãng tin Kyodo tiến hành và công bố hôm 28-7, 81% "hibakusha" (những người sống sót trong 2 vụ đánh bom nói trên) kêu gọi chính phủ Nhật Bản ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (NWPT) - đã được 122 quốc gia thông qua tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 7-7-2017. Không nước nào trong số 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ký NWPT. Điều này khiến Nhật Bản tin rằng loại bỏ hạt nhân là mục tiêu không thực tế nên cùng Mỹ và các đồng minh nói "không" với NWPT.
TP Hiroshima sau vụ đánh bom hạt nhân năm 1945 Ảnh: AP
Những nước sở hữu vũ khí hạt nhân tỏ ra vô trách nhiệm trong khi không chịu cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, điều chỉnh học thuyết và việc triển khai hạt nhân. Thêm vào đó, đa số người Mỹ lo ngại Tổng thống Donald Trump sẽ phát động một cuộc tấn công hạt nhân mà không có lời giải thích. Điều này đặt các đồng minh của Washington vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Một mặt, nhà lãnh đạo Mỹ có thể gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân đe dọa hủy diệt thế giới. Mặt khác, ông có thể từ chối bảo vệ các đồng minh nếu họ bị tấn công bởi một kẻ thù có vũ khí hạt nhân.
Để đối phó với thực tế thiếu độ tin cậy của chiếc ô hạt nhân Mỹ dưới thời ông Trump, một số đồng minh của Washington bắt đầu nghĩ đến khả năng phòng thủ hạt nhân độc lập. Tuy nhiên, kéo theo đó là các rủi ro và mối đe dọa hạt nhân sẽ tăng nhanh. Riêng với Nhật Bản, một bước đi như thế có thể vi phạm Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT), chính sách hạt nhân và luật pháp của nước này cũng như ảnh hưởng đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vì thế, chỉ khi tham gia NWPT, Nhật Bản mới đứng về phía "lẽ phải" của lịch sử, địa lý, sự hợp pháp, đạo đức và lòng nhân đạo.
Bình luận (0)