Ông Kem Sokha, Phó Chủ tịch CNRP, đã lựa chọn ẩn náu bên trong trụ sở của đảng này ở thủ đô Phnom Penh suốt gần 4 tháng qua để tránh bị bắt giữ vì những cáo buộc bị xem là mang động cơ chính trị.
Điều này thể hiện qua việc một số đồ vật khác thường được đưa vào phòng làm việc của ông Kem Sokha từ hồi tháng 5, như tấm nệm và máy chạy bộ. Ông Kem cười và nói: “Đây từng là phòng làm việc của tôi nhưng giờ nó là phòng ngủ”.
Ông Kem luôn được một số vệ sĩ và hàng chục người ủng hộ bảo vệ. Hàng ngàn người ủng hộ có thể tập trung tại trụ sở để bảo vệ ông nếu cảnh sát tìm cách bắt giữ chính trị gia này.
Ông Kem Sokha phát biểu trước hàng trăm người ủng hộ tại trụ sở CNRP gần đây. Ảnh: The Phnom Penh Post
Hồi đầu tháng 9, ông Kem Sokha bị kết án 5 tháng tù vì không chịu ra làm chứng trong tại phiên tòa xét xử 2 nghị sĩ đối lập vì những cáo buộc mại dâm liên quan đến một phụ nữ làm nghề làm tóc. Người phụ nữ này được cho là nhân tình của ông Kem Sokha.
CNRP xem bản án trên là nỗ lực của chính phủ nhằm chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông Kem Sokha. Tuy nhiên, ông Kem Sokha cho biết sẽ không bỏ đi đâu cả. “Tôi đã đưa ra quyết định này không phải chỉ mới gần đây, tôi phải ở lại với người dân” - chính khách này nhấn mạnh.
Đảng đối lập đã giành được sự ủng hộ đáng kể tại cuộc bầu cử năm 2013 và có cơ hội giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018. Tuy nhiên, không có nhiều nhà quan sát tin rằng Thủ tướng Hun Sen sẽ chịu từ bỏ quyền lực dễ dàng.
Thủ lĩnh đối lập trên hiện lâm vào thế khó - bị mắc kẹt giữa hệ thống pháp lý bị chỉ trích là thiếu công bằng và cáo buộc ông đứng trên pháp lý.
Ông có kế hoạch kháng cáo nhưng tiến trình pháp lý có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm, qua đó vô hiệu hóa vai trò thủ lĩnh đối lập của mình. Một lựa chọn được ông này tính đến là tổ chức biểu tình phản đối quy mô lớn nhưng ý tưởng này lập tức bị Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền chỉ trích. Vì thế, ông Kem Sokha cho rằng cách tốt nhất để thoát khỏi bế tắc hiện nay là tìm giải pháp chính trị giữa các nhà lãnh đạo.
Trong tuần qua, 39 nước đã ra tuyên bố chung tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng chính trị đang leo thang ở Campuchia. Đáp lại, đại diện của Campuchia tại Liên Hiệp Quốc Ney Sam Ol dọa cắt đứt liên hệ với Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR).
Bình luận (0)