Với Mỹ, quan hệ xấu đi giữa các nước đồng minh đe dọa cản trở cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nỗ lực kiềm chế Iran ngay cả khi các quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump nói cứng rằng cuộc khủng hoảng không gây tác động tức thì nào.
Cả 4 nước nói trên đang đóng vai trò quan trọng trong liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu. Trong số này, Qatar là nơi đặt trung tâm điều phối các chiến dịch không kích chống IS và căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông (căn cứ không quân Al Udeid).
Trước mắt, chưa có yêu cầu về việc loại Qatar khỏi liên minh này trong lúc Washington nỗ lực giảm căng thẳng, thông qua lời kêu gọi nới lỏng phong tỏa Qatar của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 9-6.
Theo đài CNN, nếu không có giải pháp sớm cho cuộc khủng hoảng ngoại giao, Mỹ sẽ gặp khó trong nỗ lực thành lập một mặt trận thống nhất để chống khủng bố và kiềm chế ảnh hưởng của Iran ở khu vực.
Ông Bruce Riedel, chuyên gia tại Viện Brookings (Mỹ), nhận định tình hình hiện nay cho thấy vùng Vịnh không hề thống nhất như người ta tưởng khi đối đầu với Iran. Hỗ trợ khủng bố và ủng hộ Iran là 2 lý do chính được đưa ra khi Ả Rập Saudi, UAE, Bahrain, Ai Cập tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar - một động thái được Yemen, Libya, Maldives ủng hộ sau đó.
Người dân Palestine tuần hành ủng hộ Qatar ở Dải Gaza hôm 9-6 Ảnh: Reuters
Dù vậy, ông James S. Robbins, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Chính sách đối ngoại Mỹ, chỉ ra rằng việc các nước liên quan đến vụ tranh cãi chia sẻ những lợi ích chung với Mỹ giúp Washington có cơ hội đóng vai trò trung gian hòa giải.
Trung Quốc có lẽ là một trong những nước đang chờ đón kết quả này nhất bởi cục diện hiện nay đe dọa làm gián đoạn một phần sáng kiến thương mại "Vành đai và Con đường" (BRI) đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trung Đông là đối tác quan trọng của BRI, một phần vì vị trí chiến lược nằm giữa châu Á và châu Âu. Khu vực này còn là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho Bắc Kinh và không ít dự án hạ tầng cho các công ty Trung Quốc.
Cũng như Mỹ, Trung Quốc có quan hệ hữu hảo với 2 bên của cuộc đối đầu. Chẳng hạn, Ả Rập Saudi là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc ở khu vực. Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh là khách hàng mua dầu số 1 của Riyadh. Trong khi đó, Qatar cam kết là đối tác tích cực trong BRI.
Trung Quốc lâu nay thường đứng ngoài các vấn đề chính trị ở Trung Đông, không đứng về phe nào để duy trì quan hệ tốt với mọi đối tác thương mại. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi khi quan hệ giữa Bắc Kinh và khu vực này không ngừng được mở rộng. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông), lợi ích kinh tế đang tăng của Trung Quốc ở Trung Đông đã dẫn đến lời kêu gọi Bắc Kinh điều chỉnh chính sách không can thiệp lâu nay.
Trong động thái cho thấy Bắc Kinh không chịu ngồi yên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 8-6 nói với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif rằng sự ổn định ở vùng Vịnh là điều tốt nhất cho mọi người. Một số nhà phân tích dự báo sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng ở khu vực có thể thúc đẩy Trung Quốc đóng vai trò nào đó, dù hạn chế, nếu cuộc khủng hoảng leo thang.
Bình luận (0)