Israel ngày 31-8 ghi nhận mức tăng kỷ lục về số ca nhiễm mới sau 24 giờ kể từ khi đại dịch Covid-19 khởi phát tại quốc gia này, với 10.946 ca – vượt qua kỷ lục 10.118 ca được thiết lập ngày 18-1.
Số liệu của Bộ Y tế Israel cho biết trong giai đoạn từ ngày 24-8 đến ngày 30-8, quốc gia này ghi nhận thêm 61.185 ca nhiễm, trung bình 8.740 ca/ngày.
Kể từ đầu tháng 8, Israel đã ghi nhận tổng cộng 191.937 trường hợp mắc Covid-19, cao hơn nhiều so với 31.537 ca của tháng 7 và 2.392 ca trong tháng 6.
Kể từ ngày 1-8, Israel cũng đã công bố 564 ca tử vong liên quan đến Covid-19, so với 52 ca trong tháng 7 và 8 ca tháng 6. Con số này dù tương đối cao nhưng chưa đáng kể so với 1.444 ca trong tháng 1 và 951 ca trong tháng 10-2020.
Israel đứng đầu thế giới về số ca nhiễm Covid-19 bình quân đầu người trong tuần rồi. Ảnh: AP
Nghiên cứu của Trường ĐH Oxford còn xếp Israel ở vị trí thứ 4 thế giới về số ca tử vong bình quân đầu người. Cũng cần lưu ý rằng Israel có nhiều công dân trên 60 tuổi - nhóm tuổi dễ tổn thương nhất vì Covid-19.
Với mục tiêu ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta, Israel hồi cuối tháng rồi bắt đầu kế hoạch tiêm liều bổ trợ dành cho mọi công dân trên 12 tuổi đã được tiêm phòng đầy đủ cách đó ít nhất 5 tháng. Israel hiện là quốc gia có tỉ lệ tiêm phòng đầy đủ hàng đầu thế giới và chỉ sử dụng vắc-xin Pfizer.
Trong khi đó, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai mới đây khẳng định Delta đang là mối đe dọa hiện hữu, đang thử thách năng lực của hệ thống y tế công cộng vững mạnh nhất trong khu vực này.
"Với khả năng lây nhiễm cao hơn, biến thể Delta sẽ khiến các chùm trường hợp bệnh nhanh chóng bùng phát thành các ổ dịch lớn hơn, đặc biệt là trong 3 môi trường có nguy cơ cao gồm không gian kín, nơi đông người và nơi mọi người tiếp xúc gần" – ông Kasai cho biết.
Ông Takeshi Kasai, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Tây Thái Bình Dương. Ảnh: WHO
Theo ông Kasai, chúng ta cũng thấy nhiều hơn các chùm ca bệnh trong các gia đình. Đây chính là lý do các chính phủ trong khu vực đang áp dụng những hành động sớm và mạnh mẽ thông qua giãn cách xã hội, cũng như các biện pháp khác để hạn chế lây nhiễm và tránh gây thêm áp lực cho hệ thống y tế vốn đã quá căng thẳng.
Theo ông Kasai, mỗi quốc gia cần tiếp tục thực hiện mọi biện pháp có thể để kiểm soát virus, đánh giá cẩn trọng và quản lý các nguy cơ trong từng bối cảnh. Điều đặc biệt quan trọng là các quốc gia có ít hoặc không có ca nhiễm cần phải tiếp tục đề cao cảnh giác. "Chúng ta đã thấy biến thể Delta lây lan nhanh như thế nào và khó ngăn chặn ra sao" - ông nhấn mạnh.
Bình luận (0)