Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert vào cuối ngày 1-9 (giờ địa phương) xác nhận trường hợp tấn công mới nhất, nâng tổng số nhà ngoại giao Mỹ bị ảnh hưởng sức khỏe từ 16 lên 19 người. "Vụ việc mới nhất diễn ra vào tháng 8 và cuộc điều tra đang tiếp tục" - bà Nauert nói.
Theo thông tin được chính quyền Mỹ công bố hồi tháng 8 vừa qua, các vụ tấn công bắt đầu từ mùa thu năm 2016 và kéo dài qua mùa xuân năm nay. Tới tháng 5, Mỹ trục xuất 2 nhà ngoại giao Cuba. Tuy vậy, phía Washington không cáo buộc Havana đứng sau và giải thích vụ trục xuất chỉ nhằm phản đối việc chính phủ Cuba không bảo vệ được an toàn của các nhà ngoại giao Mỹ.
Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Havana - Cuba Ảnh: REUTERS
Giới chức điều tra Mỹ nghi ngờ một thiết bị phát ra sóng âm đã tấn công các nhà ngoại giao Mỹ tại nhà riêng của họ ở Havana. Các chuyên gia y khoa của đài ABC News cho hay sóng âm trên hoặc dưới ngưỡng nghe của con người đều gây ra những ảnh hưởng lâu dài.
Tuy nhiên, theo AP, tới nay vẫn chưa có thiết bị nào như thế được tìm thấy. Động cơ của vụ tấn công "chưa từng có tiền lệ" này lại càng mờ mịt, nhất là khi một số nhà ngoại giao Canada - nước có quan hệ thân thiện với Cuba - cũng bị ảnh hưởng. Hiện chưa rõ các nhà ngoại giao Canada bị tấn công cố ý hay bị "vạ lây" do họ sống cùng khu vực ở Havana.
Thông tin về vụ tấn công mới nhất được tiết lộ cùng ngày Hiệp hội Hoạt động ngoại giao Mỹ mô tả những chấn thương mà các nhà ngoại giao Mỹ ở Cuba gặp phải bao gồm mất thính lực lâu dài, phù não, nhức đầu nghiêm trọng, mất thăng bằng, gián đoạn nhận thức và thậm chí chấn thương sọ não (TBI). TBI là kết quả của việc va chạm mạnh hay các ngoại lực khác tác động vào đầu hoặc cơ thể.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), các triệu chứng của TBI có thể xuất hiện ngay hoặc trong nhiều ngày/tuần sau đó, từ mất ý thức, mất trí nhớ, mất thị lực đến nói năng, biểu lộ cảm xúc khó khăn...
Bình luận (0)