Trong buổi họp báo hôm 18-9, Bộ Quốc phòng Ả Rập Saudi đã công bố điều mà họ khẳng định là bằng chứng cho thấy Iran có liên quan đến các vụ tấn công nhằm vào tập đoàn dầu khí Ả Rập Saudi Aramco hồi tuần rồi, bao gồm các loại vũ khí mà Tehran sử dụng.
Trước đó, một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ tiết lộ với Reuters rằng Washington tin đợt tấn công trên xuất phát từ phía Tây Nam của Iran. Cũng theo vị này, các cuộc tấn công có mức độ phức tạp hơn nhiều so với đánh giá ban đầu, bởi chúng có sự tham gia của cả tên lửa hành trình lẫn máy bay không người lái (UAV). Dù vậy, ông không cung cấp chứng cứ và cũng không tiết lộ thông tin tình báo mà ông sử dụng để đưa ra kết luận trên.
Theo Reuters, nếu thông tin tình báo này được công bố, Mỹ, Ả Rập Saudi và những quốc gia khác có thể đối mặt sức ép gia tăng trong việc thực hiện các động thái đáp trả, kể cả về mặt quân sự.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao giấu tên khác của Mỹ tuyên bố ông đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) phản ứng về đợt tấn công nêu trên. "Chúng tôi nhận thấy HĐBA LHQ phải thể hiện vai trò. Ả Rập Saudi bị tấn công và việc họ kêu gọi HĐBA LHQ can thiệp là phù hợp" - vị này cho biết thêm. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ Washington sẽ yêu cầu can thiệp như thế nào và liệu họ có tìm kiếm sự hợp tác từ phía Moscow hay không.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trong cuộc họp nội các hôm 18-9 ở thủ đô Tehran Ảnh: REUTERS
Mặc dù nhóm vũ trang Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen nhận trách nhiệm tấn công và bản thân Tehran cũng đã phủ nhận mọi cáo buộc, giới chức Mỹ khẳng định Iran là thủ phạm. Dù vậy, trong một động thái thể hiện sự hoài nghi, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định hiện ông vẫn chưa thể biết chắc ai là người đứng sau các cuộc tấn công.
Theo hãng thông tấn SPA, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã điện đàm với Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman để thảo luận vụ việc. Theo sau cuộc điện đàm này, Văn phòng Tổng thống Emmanuel Macron hôm 18-9 tuyên bố Pháp sẽ cử các chuyên gia đến Ả Rập Saudi để hỗ trợ công tác điều tra nhằm làm rõ thủ phạm và phương thức tấn công" - Văn phòng Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định, đồng thời cho biết nhà lãnh đạo Pháp lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công.
Đợt không kích nhằm vào 2 nhà máy lọc dầu của Aramco ở Abqaiq và Khurais đã làm gián đoạn tạm thời khoảng 50% khả năng sản xuất dầu của Ả Rập Saudi, tương đương 5% sản lượng dầu mỗi ngày của thế giới, khiến giá dầu tăng gần 15% vào ngày 16-9. Đến ngày 18-9, giá dầu đã giảm sau khi Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman tuyên bố năng lực sản xuất dầu của họ sẽ được khôi phục vào cuối tháng này.
Trong khi đó, Aramco cũng đã thông báo với ít nhất 6 nhà máy lọc dầu ở châu Á rằng họ sẽ đáp ứng đầy đủ sản lượng dầu thô như đã cam kết vào tháng 10 tới. Dù vậy, giới đầu tư vẫn tỏ ra cẩn trọng với sự leo thang căng thẳng ở Trung Đông.
"Bầu không khí căng thẳng vẫn bao phủ thị trường dầu thế giới. Tuy nhiên, nỗi lo ban đầu về việc chuỗi cung cấp dầu bị gián đoạn lâu dài đã tạm thời tan biến" - ông Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường của Công ty Oanda Corporation (Mỹ), khẳng định.
Cũng theo ông Moya, giá dầu nhiều khả năng tăng mạnh trở lại nếu Mỹ và Ả Rập Saudi đáp trả Iran theo kiểu "ăn miếng trả miếng".
Bình luận (0)