Tại Ấn Độ, theo hãng tin AP, hơn 400.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa và đến tị nạn tại 1.318 trại cứu trợ trên khắp bang Kerala. Tính riêng bang này đã có 60 người thiệt mạng và gần 200 căn nhà bị phá hủy vì những trận mưa xối xả.
Ở bang Karnataka lân cận, lũ lụt cũng đã khiến 30 người thiệt mạng và 14 người mất tích. Giới chức bang Karnataka cho biết họ đã sơ tán hơn 30.000 người đến 924 trại cứu trợ. Theo đài CNN, Ấn Độ đã triển khai 44 nhóm thuộc Lực lượng Ứng phó Thảm họa quốc gia, Lục quân, Tuần duyên, Hải quân và Không quân để hỗ trợ các chiến dịch cứu hộ và cứu trợ.
Mưa lớn cũng đã hoành hành phần lớn Pakistan, cướp đi sinh mạng của ít nhất 17 người. Theo quan chức cứu hộ Anwar Kazmi, trong số này có 7 nạn nhân thiệt mạng vì điện giật và 3 người mất mạng trong một vụ sập mái nhà ở TP Karachi. Mùa mưa ở Nam Á kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9, khiến nỗ lực khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn. Trước đó, trong những đợt mưa đầu mùa, hàng trăm căn nhà cũng đã bị phá hủy hoàn toàn và hiện nhiều hộ gia đình đang nỗ lực dựng lại nhà cửa trước khi những đợt mưa khác ập đến.
Binh sĩ Ấn Độ giúp sơ tán một em bé ra khỏi khu vực bị ngập lụt ở bang Maharashtra hôm 11-8 Ảnh: Reuters
Trong khi đó, tại Myanmar, số người thiệt mạng trong vụ sạt lở tại một ngôi làng ở thị trấn Paung của bang Mon đã tăng lên 56 hôm 12-8 sau khi có thêm 3 thi thể nạn nhân được tìm thấy. Ngoài vụ sạt lở xảy ra hôm 9-8 này, nhiều ngôi nhà và một trường học ở những thị trấn khác cũng đã bị cuốn trôi trong khi đường sá và làng mạc bị phá hủy. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, tính riêng tuần qua ở Myanmar, đã có gần 12.000 người phải sơ tán vì mưa lũ, trong đó có hơn 7.000 người ở bang Mon.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, ít nhất 44 người thiệt mạng và hơn 1 triệu người phải sơ tán sau khi bão Lekima với sức gió tối đa 187 km/giờ lần lượt đổ bộ vào 2 tỉnh Chiết Giang và Sơn Đông cuối tuần qua. Theo Tân Hoa Xã, 16 người vẫn còn mất tích trong lúc khoảng 200 ngôi nhà bị đổ sập.
Bình luận (0)