Vào những năm đầu thời kỳ Dân quốc, Thiếu Lâm Tự có tăng chúng hơn 200 người, ruộng đất hơn 1.370 mẫu nhưng cảnh tượng suy lạc, độ nhật gian nan. Nhất là từ sau khi Viên Thế Khải chết (1916), Trung Quốc loạn lạc, quân phiệt cát cứ hỗn chiến khắp nơi, thổ phỉ hoành hành, sinh linh đồ thán.
Dẹp thổ phỉ
Lúc này, các địa phương phải tổ chức Dân đoàn, đơn vị võ trang để tự vệ. Trụ trì Thiếu Lâm Tự là Hòa thượng Hằng Lâm (1865-1923), võ nghệ cao cường, được chính quyền cử làm Tăng hội ty huyện Đăng Phong, Tổng đoàn trưởng Đoàn Bảo vệ Thiếu Lâm Tự, mua sắm vũ khí, huấn luyện tăng binh.
Mùa thu năm Dân quốc thứ 9 (1920), hạn hán mất mùa, thổ phỉ nổi lên. Hằng Lâm thống lĩnh Dân đoàn, tại huyện thành Đăng Phong, Thê Tử Câu, Bạch Ngọc Câu giao chiến với các băng thổ phỉ mười mấy trận đều thắng . Lớn nhất là trận đánh phỉ do Chu Bảo Thành, Tôn Thiên Chương, Ngưu Bang cầm đầu đi cướp ở thị trấn Lỗ Trang bị Hằng Lâm dẫn tăng binh chặn đánh, tiêu diệt hầu hết, lấy được rất nhiều súng ống, đạn dược. Hằng Lâm anh dũng thiện chiến, danh tiếng lẫy lừng, thổ phỉ không dám mạo phạm, mười mấy địa phương quanh Thiếu Lâm Tự đều được yên ổn.
Tháng 10-1923, Hằng Lâm lâm bệnh, qua đời lúc 59 tuổi. Dân chúng 4 huyện Củng, Đăng Phong, Yển Sư, Lâm Nhữ đã lập bia tưởng niệm.
Đệ tử của Hằng Lâm là Diệu Hưng (1898-1927) thay thầy gánh vác trọng trách. Diệu Hưng vốn họ Kim, tự là Hào Văn, 8 tuổi lên Thiếu Lâm Tự bái Hằng Lâm làm thầy, luyện tập võ nghệ, bản lĩnh hơn người, được gọi là “Kim La Hán”.
Trong số đệ tử của Hằng Lâm sư phụ, Phàn Chung Tú cũng là một kỳ nhân. Phàn lúc nhỏ từng lên Thiếu Lâm Tự tu thiền luyện võ, sau xuống núi dựa vào bản lĩnh võ nghệ đến vùng Thiểm Bắc chiêu mộ di dân, lập thành Dân đoàn, hợp tác với quân Tĩnh Quốc, danh tiếng lẫy lừng. Phàn Chung Tú từng được Tôn Trung Sơn mời đến Quảng Châu khen thưởng và ủy nhiệm làm Tổng Tư lệnh quân Kiến quốc.
Lúc này, các thế lực quân phiệt thu gom địa bàn, đánh nhau quyết liệt. Vùng Đăng Phong, Hà Nam là nơi nhắm tới của tập đoàn quân phiệt Bắc Dương Phùng Ngọc Tường và đối thủ là quân Trực hệ của Ngô Bội Phu. Phùng Ngọc Tường cho người liên lạc, ý muốn thu phục quân Kiến quốc của Phàn Chung Tú nhưng Phàn không theo mà ngả sang phía Ngô Bội Phu để chống lại cả quân Quốc dân của Tưởng Giới Thạch vốn là đồng minh trước đó.
Lửa cháy 40 ngày đêm
Năm 1922, Phàn Chung Tú theo lệnh của Ngô Bội Phu đến Đăng Phong để thu phục nhóm phỉ có thực lực nơi này do Nhậm Ứng Kỳ, Trần Thanh Vân cầm đầu. Khi qua Thiếu Lâm Tự, Phàn vào viếng thăm, gặp sư đệ Diệu Hưng, thấy cảnh chùa bị hư hại mới quyên tặng 400 đồng bạc - món tiền rất lớn để tu sửa Đại hùng bảo điện. Do đó, tăng chúng trong chùa rất có cảm tình với Phàn. Vào mùa thu năm 1923, Trương Ngọc Sơn theo lệnh Ngô Bội Phu chiêu binh mãi mã ở Hà Nam, lập Sư đoàn biệt động số 1, biết đoàn tăng binh Thiếu Lâm Tự thiện chiến lại có vũ khí trong chùa nên tìm cách lôi kéo. Dưới tác động của Phàn Chung Tú, trụ trì Diệu Hưng trở thành Đoàn trưởng Đoàn 1 Lữ đoàn 1 và Thiếu Lâm Tự chính thức nằm trong biên chế tập đoàn quân phiệt Trực hệ của Ngô Bội Phu.
Tháng 7-1926, quân Quốc dân của Tưởng Giới Thạch tiến hành Bắc phạt để dẹp tình trạng quân phiệt cát cứ. Lúc này, Phùng Ngọc Tường tuyên bố thoát ly quân phiệt Bắc Dương, tham gia quân của Tưởng, hình thành Quốc dân liên quân. Ngô Bội Phu liền liên kết với Trương Tác Lâm đánh Phùng nhưng bị liên quân đánh bại. Mùa xuân năm 1927, Phùng Ngọc Tường chiếm Tây An, tấn công Hà Nam. Hòa thượng Diệu Hưng suất lĩnh Quân đoàn 1 của Ngô Bội Phu tác chiến ở Trịnh Châu, Vũ Dương. Ngày 3-6-1927, trong trận giao chiến với quân Phùng Ngọc Tường, Diệu Hưng bị trúng đạn qua đời, lúc ấy mới 37 tuổi. Di thể được đệ tử đưa về Thiếu Lâm Tự, táng ở sườn núi phía Bắc của chùa.
Tháng 3-1928, Phàn Chung Tú thừa cơ hậu phương của Phùng Ngọc Tường bị trống bèn tập kích chiếm được 2 huyện Yển Sư và Củng, tỉnh Hà Nam. Nhưng không lâu sau đó, bộ tướng của Phùng là Thạch Hữu Tam (1891-1940) chiếm lại. Lúc này, Thạch Hữu Tam đang là Chỉ huy trưởng Lộ thứ 5 Liên quân kiêm Tư lệnh cảnh bị Lạc Dương, đang nắm trong tay 6 vạn quân thiện chiến, vũ khí hiện đại. Còn Phàn Chung Tú chỉ có hơn vạn quân không phải chính quy, vũ khí chủ yếu chế tạo ở Hán Dương nên xét về tương quan lực lượng thì đúng là lấy trứng chọi đá. Nhưng Phàn Chung Tú ỷ thế địa lợi, am hiểu địa hình, lại có Dân đoàn địa phương và đội tiên phong tăng binh Thiếu Lâm Tự thiện chiến.
Trước thế công của Thạch Hữu Tam, Phàn Chung Tú rút quân về hướng Nam, tấn công huyện thành Đăng Phong, Bộ Tư lệnh chỉ huy đều đặt cả vào trong khuôn viên Thiếu Lâm Tự. Thạch Hữu Tam truy kích về hướng Nam, hai bên giao chiến ác liệt, tại Hiên Viên Quan (Thập Bát Ban) được sự hỗ trợ của tăng binh Thiếu Lâm Tự, quân của Phàn Chung Tú rút sâu vào vùng núi của huyện Tung, còn đoàn tăng binh cũng tan vỡ.
Ngày 15-3-1928, Thạch Hữu Tam truy quét đến Thiếu Lâm Tự, ra lệnh bắn pháo, phóng hỏa đốt pháp đường. Ngày hôm sau, theo lệnh của Thạch Hữu Tam, chỉ huy quân Quốc dân đóng ở Đăng Phong đem dầu vào Thiếu Lâm Tự rưới đốt toàn bộ. Lửa cháy đến 40 ngày đêm. Những điện Thiên Vương, Đại Hùng, Khẩn Na La, Lục Tổ, Diêm Vương, Long Vương, Tàng kinh các, các nhà ăn, nhà kho, thiền đường Đông Tây, phòng Ngự tọa, lầu chuông trống... đều thành tro bụi.
Phá hủy di tích của Đạt Ma
Năm 1936, Tưởng Giới Thạch đến Đăng Phong, lên Tung Sơn du lãm Thiếu Lâm Tự. Lúc này, Thiếu Lâm Tự vừa qua cơn hỏa ách được 8 năm, tự viện điêu tàn, tăng chúng chỉ còn khoảng 50 người. Tưởng Giới Thạch rất hứng thú với lịch sử và kiến trúc của “Thiền tông đệ nhất tổ đình” Thiếu Lâm Tự. Khi qua Đạt Ma động, Mao huyện trưởng nói trước đây có hòn đá in hình của Đạt Ma sư tổ rất trang nghiêm, được thâu tàng trong Tàng kinh các nhưng đã bị Thạch Hữu Tam pháo kích phá hủy cùng bao nhiêu công trình kiến trúc khác bị hỏa thiêu. Tưởng Giới Thạch trầm tư một lúc rồi than: “Thạch Hữu Tam phá hoại ghê thật!”.
Kỳ tới: Hư thực võ công của Thích Vĩnh Tín
Bình luận (0)