Đường Võ Tông vốn đam mê thuật tu tiên. Năm 840, ông mời 81 đạo sĩ do Triệu Quy Chân dẫn đầu vào cấm cung lập đạo tràng, làm lễ nhập đạo cho vua. Đại thần Lý Đức Dụ vốn ghét Phật giáo nên cùng Triệu Quy Chân thường xúc xiểm đạo Phật trước mặt vua.
Hủy chùa, diệt tăng
Tháng 2 năm Hội Xương thứ hai (842), Đường Võ Tông ra sắc lệnh bắt tăng ni giới luật không nghiêm phải hoàn tục, tài sản nhập cung, tra xét tăng nhân nước ngoài, cấm Minh giáo hoạt động. Dần dần cấm thờ Phật, hủy kinh tượng trong điện Trường Sinh để thờ Thiên Tôn lão quân.
Đến năm 845 thì tình hình càng nghiêm trọng, chùa chiền bị phá hủy, sa môn phải hoàn tục. Có hơn 4.600 ngôi chùa lớn, hơn 40.000 chùa nhỏ bị hủy hoại; tăng ni bị hoàn tục hơn 260.000 người. Năm 846, Đường Võ Tông qua đời, Tuyên Tông kế vị mới kết thúc pháp nạn.
Đến năm Hiển Đức thứ hai đời Hậu Chu Thế Tông (955), hoàng đế ra lệnh chùa nào không phải vua sắc tứ thì phá bỏ. Ai mà cha mẹ không người nuôi dưỡng thì không được xuất gia, tất cả tượng Phật bằng đồng đều tịch thu để đúc tiền. Mấy trận “hủy pháp diệt Phật” xảy ra khiến Phật giáo phương Bắc Trung Hoa bị ảnh hưởng nặng nề, Thiếu Lâm Tự cũng cùng chung cảnh ngộ.
Thiếu Lâm Tự là một cổ tự nổi tiếng, lại ở gần kinh thành của 2 triều Đường, Tống, được các quý tộc công thần, văn nhân nho sĩ đến du ngoạn ngâm vịnh rất đông. Nhưng có điều lạ là trong văn chương Đường Tống lại ít nhắc đến võ công Thiếu Lâm Tự, phần nhiều chỉ ca tụng phong cảnh. Đến giữa đời Minh mới có một số văn nhân nói đến, như trong “Tung du ký” của Vương Sĩ Tuấn viết: “Võ tăng biểu diễn mỗi người mỗi vẻ, côn quyền vùn vụt như bay, trong có người đánh Hầu quyền, nhảy nhót múa may giống như khỉ thật”.
Truyền thuyết Triệu Khuông Dẫn
Đến đời Tống, Thiếu Lâm Tự lại trùng hưng. Khai quốc hoàng đế Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn lấy võ công định thiên hạ, là hiệp khách duy nhất của Trung Hoa đạt đến vị trí chí tôn.
Khuông Dẫn từ năm 21 tuổi đã dựa vào bản lĩnh võ nghệ, luân lạc giang hồ, từng có thuyết rằng “Ngũ xích côn bảng đẳng thân tiêm, Đả biến thiên hạ vô địch thủ” (Thanh côn 5 thước cao bằng người, đánh khắp thiên hạ không có địch thủ). “Bắc quyền hối biên” viết rằng: “Phái Thiếu Lâm ngoại gia thì Triệu Khuông Dẫn là tổ khai sơn vậy. Khuông Dẫn có tuyệt kỹ, không truyền ra ngoài, khi say mới nói cho quần thần biết sự ảo diệu của tuyệt kỹ ấy. Sau hối hận nhưng không muốn nuốt lời, khi qua đời mới giấu sách viết tuyệt kỹ ấy trong thần đàn Thiếu Lâm Tự. Tuyệt kỹ ấy lấy ngạnh công làm thượng thừa”.
“Quyền kinh quyền pháp bị yếu” thì nói “Tuyệt kỹ quyền pháp ấy xuất phát từ Thiếu Lâm Tự, từ khi Tống Thái Tổ học được mới vang danh bốn bể”. Hình thức Sáo lộ (bài quyền) được định hình vào đời Tống mà khởi thủy là “Tống Thái Tổ tam thập nhị thế Trường quyền” (32 thế Trường quyền của Tống Thái Tổ) vì thế lại có thuyết nói quyền pháp Thiếu Lâm Tự khởi từ Tống Thái Tổ. Thực tế, đây là 32 thế thực chiến do Triệu Khuông Dẫn đúc rút ra để huấn luyện cho binh sĩ. Khi ông lên ngôi thì bài quyền này nghiễm nhiên trở nên có giá trị đặc biệt và Thiếu Lâm Tự đã nhanh chóng thâu nhặt vào kho tàng võ công của mình.
Nhưng dù thế nào cũng phải khẳng định một điều là võ công Thiếu Lâm diễn hóa từ võ nghệ thực chiến trong chiến trận mà thành. Liên tiếp các triều đại, Thiếu Lâm Tự duy trì đặc quyền tăng binh vũ trang của mình, nhờ đó quyền thuật Thiếu Lâm không ngừng được hoàn thiện đến mức thượng thừa, ảnh hưởng cực lớn, được tôn xưng là “Thiếu Lâm Bắc đẩu”.
Dung hợp sở trường các lưu phái dân gian
Đầu đời Tống, phương trượng Thiếu Lâm Tự là Phúc Cư đại hòa thượng đã 3 lần mời 18 vị võ lâm cao thủ của các môn phái đến Thiếu Lâm Tự để giao lưu võ công. “Thiếu Lâm Tự quyền phổ mật sao” ghi rằng: “Năm Kiền Đức thứ 1 (936), Phúc Cư chỉ thị cho các đệ tử Linh Trí, Linh Mẫn, Linh Khâu kết hợp kinh nghiệm luyện võ của Thiếu Lâm với công phu của 18 lưu phái võ lâm, làm thành bộ ‘Thiếu Lâm quyền phổ” gồm 48 cuốn, trong đó quyền thuật có 173 bài, binh khí 133 bài, kỳ công mật lục (gồm điểm huyệt, cầm nã, ngự cốt đồ thủ) có 21 thiên, phụ đồ 3.895 bức. Đời Tống Hy Tông, tổ đình được tu sửa tráng lệ, trong Tàng kinh các của Thiếu Lâm Tự có đến 9.500 bộ kinh sách.
Đến đời Kim, Giác Viễn hòa thượng cùng các cao thủ Bạch Ngọc Phong (pháp danh Thu Nguyệt) và cha con Lý Tẩu diễn luyện, nghiên cứu võ công Thiếu Lâm, viết ra bộ “Ngũ quyền tịnh yếu”(gồm long, hổ, báo, xà, hạc quyền kết hợp thủ, túc, thân, nhãn, bộ pháp). Giác Viễn phát triển La Hán thập bát thủ thành La Hán thất thập nhị thủ (72 thế) rồi tăng thành La Hán nhất bách thất thập tam thủ (173 thế). Lại điều chỉnh các bài bản, chiêu thức của Ngũ hợp quyền, Hắc hổ quyền, Hành long kiếm... Đời Nguyên có 2 người Nhật Bản là Đại Trí và Thiệu Nguyên tìm đến Thiếu Lâm Tự xuất gia, khổ tu mười mấy năm, sau về nước truyền bá thiền lý và công phu Thiếu Lâm, ảnh hưởng cực lớn.
Đến đời Minh, Thiếu Lâm Tự lấy côn pháp làm bửu bối trấn sơn, vang danh bốn bể.
Diệt bạo trừ gian
Đời Minh, nhiều tự viện lấy võ công vang danh, theo “Minh sử” thì “Tăng binh có Thiếu Lâm, Phục Ngưu, Ngũ Đài” nhưng Thiếu Lâm Tự là nổi tiếng nhất. Nguyên nhân là ngoài việc Thiếu Lâm côn pháp đã hình thành lưu phái riêng còn có nhân tố chính trị. Sử còn chép công lao của các võ tăng Thiếu Lâm Tự Huệ Uy (Thái Triệu), Huệ Lâm (Trịnh Khả) thống lĩnh quân triều đình nhiều phen đại phá quân Kim. Mặt khác, triều Minh trước sau có đến 8 hoàng tử lên Thiếu Lâm Tự quy y.
Võ tăng Thiếu Lâm thường được xem là chủ công trong các cuộc chiến đấu chống cướp biển, bảo vệ vùng duyên hải Giang - Triết, bảo vệ cương thổ. Danh nho Cố Viêm Võ trong “Nhật tri lục - Thiếu Lâm tăng binh” tán thán rằng: “Khoảng năm Gia Tĩnh, Thiếu Lâm võ tăng là Nguyệt Không nhận hịch của đô đốc Vạn Biểu đánh bọn giặc cướp ở Tùng Giang, đồ đệ hơn 30 người, cầm gậy sắt tung hoành, giết giặc rất nhiều. Sau bị hãm giữa trùng vây, chiến đấu cả ngày, đều hy sinh cả. Than ôi! có thể cầm vũ khí bảo vệ giang san, hùng khí động sơn hà”.
Kỳ tới: Truyền võ ra nhân gian
Bình luận (0)