Ông Kari A. Bingen, bộ trưởng tình báo quốc phòng, nhận định nguy cơ Mỹ thua cuộc trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) với Trung Quốc và Nga sau khi một báo cáo công bố ngày 29-11 cảnh báo quân đội Mỹ phải ra quyết định ngay bây giờ nếu muốn "thành người dẫn đầu của cuộc cách mạng sắp tới hoặc nếu không sẽ trở thành nạn nhân".
Trong báo cáo đăng tải trên đài CNN hôm 3-12, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Robert Work nói Nhà Trắng và Lầu Năm Góc phải quyết định việc có tăng cường nghiên cứu, phát triển các công nghệ liên quan tới AI như máy tính tiên tiến, mạng nơ ron nhân tạo, dữ liệu lớn, máy học, hệ thống vận hành tự động và người máy hay không.
Cảnh báo của ông Work được đưa ra sau những tiến bộ gần đây của Nga và Trung Quốc trong việc đặt trọng tâm vào AI trong các kế hoạch quân sự tương lai. Cụ thể, Tổng thống Nga Vladimir Putin tin rằng họ sẽ "trở thành người thống trị thế giới" trong lĩnh vực AI. Truyền thông Nga đưa tin quân đội nước này đang phát triển máy bay không người lái, xe cộ, người máy và tên lửa hành trình có khả năng tự quyết định.
Trung Quốc sẽ dẫn đầu lĩnh vực AI vào năm 2030? Ảnh: REUTERS
Ngoài Nga, Trung Quốc cũng đang chi hàng tỉ USD để vượt mặt Mỹ và trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực AI vào năm 2030. Hồi tháng 7, Bắc Kinh từng công bố lộ trình chi tiết về một kế hoạch quốc gia để ưu tiên ứng dụng AI và đứng đầu thế giới trong mảng công nghệ mới, tạo ra hướng phát triển trong cả lĩnh vực thương mại và quân sự.
Tỉ phú Mỹ Eric Schmidt, CEO của Google, nhận định: "Tôi cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục dẫn đầu trong 5 năm tới rồi bị Trung Quốc bắt kịp với tốc độ cực nhanh vào năm 2020. Đến năm 2025, họ sẽ vượt qua chúng ta rồi thống trị các ngành công nghiệp vào năm 2030".
Trong khi đó, kế hoạch ngân sách năm 2018 của Tổng thống Donald Trump lại cắt giảm các khoản kinh phí cho khoa học và nghiên cứu khoảng 4,3 tỉ USD. Nhận xét về điều này, ông Schmidt nói: "Là một người Mỹ, tôi có cảm giác chúng ta đang chiến đấu với một tay để sau lưng".
Kỹ sư phần mềm này cũng chỉ trích các chính sách nhập cư của ông Trump, cho rằng nó sẽ ngăn cản các sinh viên, nhà nghiên cứu và doanh nhân ưu tú muốn đến Mỹ để học tập và khởi nghiệp. "Điều gây sốc là một số người giỏi nhất trong lĩnh vực AI lại đến từ những nước nằm trong danh sách cấm nhập cảnh. Iran là nước có những nhà khoa học máy tính hàng đầu thế giới. Tôi muốn họ làm việc cho Alphabet và Google. Thật điên rồ khi không để họ đến đây" - ông Schmidt nói.
Bình luận (0)