Thổ Nhĩ Kỳ hôm 23-7 quyết định cho liên minh quân sự chống Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ đứng đầu sử dụng căn cứ không quân Incirlik, đánh dấu sự thay đổi lập trường sau khi xảy ra cuộc xung đột vũ trang đầu tiên với IS.
Trong vụ đụng độ hôm 23-7, 5 tay súng IS từ Syria băng qua biên giới và tấn công một đơn vị binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ, khiến 1 người thiệt mạng và 2 người bị thương. Để trả đũa, quân đội nước này hôm 24-7 lần đầu tiên tung chiến đấu cơ oanh tạc các mục tiêu của IS ở Syria, khiến 35 tay súng thiệt mạng.
Theo Tân Hoa Xã, 3 máy bay tiêm kích F-16 cất cánh từ căn cứ không quân ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, ném bom 3 mục tiêu được cho là nơi IS cất giấu vũ khí và thuốc nổ trong vòng 5 phút rồi bay về. Cùng ngày, khoảng 5.000 cảnh sát đã tiến hành các cuộc bố ráp khắp Thổ Nhĩ Kỳ, bắt giữ 251 người bị cáo buộc ủng hộ IS hoặc là phiến quân người Kurd. Một người đã thiệt mạng trong các cuộc bố ráp này.
Báo Anh The Guardian dẫn lời ông Serhat Guvenc, giảng viên về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Kadir Has ở TP Istanbul, nhận định chiến dịch không kích nói trên báo hiệu sự can dự nhiều hơn của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc xung đột ở Syria nói riêng và tình hình Trung Đông nói chung. “Mũi tên đã được bắn đi. Những gì chúng ta chứng kiến xuất phát trực tiếp từ những chính sách về Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi lâu nay” - chuyên gia này nói.
Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ để các tay súng nước ngoài tiến vào Syria gia nhập hàng ngũ IS, cũng như ủng hộ một số nhóm đang chiến đấu chống lại Tổng thống Bashar al-Assad. Chính sách làm ngơ trước sự mở rộng của IS giờ đây khiến Ankara trả giá. Hồi đầu tuần này, 1 kẻ đánh bom liều chết nhắm vào một tụ điểm đông người Kurd và người Thổ Nhĩ Kỳ ở TP Suruc, làm 32 người thiệt mạng. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc IS đã gây ra vụ tấn công nhằm đáp trả việc họ tăng cường các biện pháp chống khủng bố.
Để ngăn chặn bạo lực lan mạnh hơn sang nước mình, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc đẩy việc thiết lập một vùng đệm tại lãnh thổ Syria dọc biên giới mình nhưng chưa nhận được sự ủng hộ của các đồng minh phương Tây.
Tuy nhiên, thỏa thuận mở căn cứ Incirlik cho liên quân chống IS đã dẫn đến phỏng đoán rằng kế hoạch này có thể lại được đặt lên bàn thảo luận. Những người chỉ trích cho rằng vùng đệm mà Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi chủ yếu được áp đặt tại vùng lãnh thổ của người Kurd ở Syria, từ đó cản trở sự tự trị ngày càng tăng của cộng đồng này.
Lính Iraq do Mỹ đào tạo ra trận
Đại tá Steve Warren, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, hôm 23-7 cho biết khoảng 3.000 binh sĩ Iraq mới được Mỹ đào tạo đang đến vùng ngoại ô TP Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar.
Với đánh giá được đào tạo và trang bị tốt nhất Iraq hiện nay, những binh sĩ này có thể bắt đầu tấn công trên bộ ở Ramadi trong vòng 2 tháng tới. Hợp sức với họ có một đơn vị gồm khoảng 500 chiến binh Sunni, theo ông Warren.
Ramadi bị IS chiếm đóng hồi tháng 5 qua. Reuters cho hay các lực lượng Iraq, với sự hỗ trợ của các cuộc không kích do liên quân quốc tế thực hiện, đang bao vây Ramadi nhằm cắt đường tiếp tế của IS. Đại tá Warren ước tính có từ 1.000-2.000 tay súng IS đang ở Ramadi.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đang có chuyến thăm bất ngờ tới Baghdad. Gặp gỡ Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm 23-7, ông Carter khẳng định Mỹ sẽ chủ động hơn trong chiến dịch chống IS. Ông Carter cũng cho rằng cần tăng cường sức mạnh trên bộ để chiến đấu với IS song ông Warren tiết lộ Mỹ sẽ không thêm quân đến Iraq lúc này. Lực lượng Mỹ ở Iraq hiện đóng vai trò cố vấn và huấn luyện chứ không trực tiếp ra trận.
Xuân Mai
Bình luận (0)